Chủ nhật,28/04/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 12,015
Tổng số trong ngày: 23,480
Tổng số trong tuần: 23,479
Tổng số trong tháng: 365,389
Tổng số trong năm: 1,478,430
Tổng số truy cập: 38,959,060

Công tác phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động.

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng chưa đảm bảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không đẩy mạnh triển khai các biện pháp can thiệp toàn diện và hiệu quả. Với đặc điểm của dịch HIV là tấn công chủ yếu vào lực lượng lao động trẻ, việc phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động không những giúp các doanh nghiệp bảo vệ được người lao động mà còn giúp doanh nghiệp đứng vững, phát triển và cạnh tranh được trong cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay.

Nhằm giúp các doanh nghiệp và các đơn vị triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động một cách thuận lợi và phù hợp với xu hướng phát triển về công nghệ thông tin của xã hội, các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong ngành y tế, được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Cục Phòng, chống HIV/AIDS cập nhật, bổ sung và phát hành cuốn tài liệu “Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động” kế thừa từ tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc” ban hành năm 2010.

Cuốn tài liệu này nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động. Tài liệu này được sử dụng như một cẩm nang giúp các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể tra cứu và tìm hiểu cách thức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động. Người sử dụng tài liệu này có thể nghiên cứu toàn bộ cuốn tài liệu hoặc những phần mà mình quan tâm để tìm thông tin trả lời cho những vấn đề gặp phải khi triển khai thực hiện hoặc tham khảo để xây dựng tài liệu giảng dạy có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động. Các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có thể sử dụng tài liệu này để tham khảo xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, vận động chính sách... liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động.

Tài liệu này gồm 4 phần: Phần I. Tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động; Phần II. Một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động; Phần III. Hướng dẫn tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động; Phần IV. Phụ lục

Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2021- 2022 cho thấy kiến thức, hiểu biết về HIV của giới trẻ còn hạn chế. Tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%; tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6% và nam là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam); Theo một đánh giá nhanh năm 2022 trên 3.500 công nhân từ 50 nhà máy ở một số tỉnh phía Nam cho thấy hiểu biết của công nhân lao động về HIV còn hạn chế: chỉ có 1/3 công nhân trả lời đúng và đầy đủ các cách dự phòng lây nhiễm HIV; 44,7% công nhân biết HIV/AIDS có thể điều trị được; phần lớn công nhân trả lời ngại sử dụng bao cao su để phòng bệnh; 79% công nhân sẵn sàng đi xét nghiệm với bạn đời/bạn tình để phát hiện HIV nếu nghi ngờ có hành vi nguy cơ; ít hơn 30% công nhân chưa có gia đình có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục . Phân tích trong số ca có phản ứng với HIV trong gần 3 năm trở lại đây thì nhóm lao động trong nhà máy, xí nghiệp chiếm 21%. Độ tuổi nhiễm HIV nhiều nhất rơi vào từ nhóm 20 - 29 tuổi và ngày càng trẻ hóa.

Trước tình hình dịch HIV có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh niên trẻ đặc biệt là nhóm MSM trẻ, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động là một trong những nhóm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và người sử dụng lao động tại các khu công nghiệp nói riêng. Triển khai thành công và hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động sẽ giúp các doanh nghiệp: Bảo vệ được nguồn nhân lực; Tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp; Nâng cao uy tín cho doanh nghiệp;

Truyền thông về HIV/AIDS nên lồng ghép vào các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe, an toàn lao động, các hoạt động văn hoá xã hội của doanh nghiệp để tránh sự nhàm chán và giảm chi phí hoạt động. Nội dung phòng, chống HIV/AIDS cần được đưa vào sinh hoạt, giao ban định kỳ của lãnh đạo doanh nghiệp hoặc của các phòng, ban, tổ, đội, cũng như của các đoàn thể, nhóm xã hội trong doanh nghiệp. Hiện nay có rất nhiều tài liệu truyền thông sẵn có về nội dung phòng, chống HIV/AIDS trên các trang thông tin điện tử của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, các đơn vị truyền thông y tế của trung ương và địa phương. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể tải tài liệu từ những trang web chuẩn nguồn để thông tin chính xác và cập nhật.

Hiện nay bao cao su (BCS) là phương tiện chi phí thấp nhất và hiệu quả cao trong phòng lây nhiễm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Tại doanh nghiệp, các hoạt động truyền thông nâng cao hiểu biết về HIV cũng như các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV sẽ khuyến khích người lao động chủ động tìm kiếm và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng lây nhiễm HIV cho bản thân và người thân, từ đó bảo vệ sức khoẻ của người lao động, đảm bảo được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi người lao động bỏ tiền mua bao cao su cho nhu cầu của mình thì họ sẽ cân nhắc hành vi của bản thân và có trách nhiệm với hành vi của mình.

Ngày nay, nhờ những tiến bộ về khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai rộng rãi và với quy trình, hình thức đơn giản. Tư vấn xét nghiệm đã được phân cấp thực hiện ở tuyến xã, phường, y tế thôn bản, nhân viên tiếp cận cộng đồng với kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV bằng sinh phẩm xét nghiệm nhanh, thậm chí triển khai tự xét nghiệm. Vì vậy, việc tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV trong doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Tư vấn xét nghiệm HIV cho công nhân lao động có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV là hoạt động cần thiết, trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện triển khai tại phòng y tế của doanh nghiệp thì có thể chuyển tiếp, chuyển tuyến người lao động đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV để sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS đang có xu hướng tăng nhanh ở nhóm thanh niên trẻ và chủ yếu lây qua đường tình dục, đặc biệt là ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Để ứng phó với tình hình đó, biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được triển khai rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành phố. Một người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm HIV sau khi có kết quả xét nghiệm HIV âm tính thì có thể được điều trị PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP là một phương pháp dự phòng rất hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90% nếu được sử dụng đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho công nhân lao động có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV là hoạt động cần thiết, trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện triển khai tại phòng y tế thì có thể chuyển tiếp, chuyển tuyến người lao động có nhu cầu đến sử dụng dịch vụ PrEP tại cộng đồng.

Cung cấp thông tin và giới thiệu dịch vụ được đề cập ở đây là hoạt động giới thiệu thông tin về các dịch vụ có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ người lao động hoặc gia đình họ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ đó khi cần một cách phù hợp và thuận tiện nhất tại địa bàn hoặc ở tuyến trên. Việc hiểu biết và giới thiệu người lao động đến các dịch vụ y tế, xã hội liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn làm tăng uy tín của doanh nghiệp.

Chi tiết xem tại đây

Khánh Ly