Thứ 4,19/06/2024,

User Online: 9,020
Total visited in day: 1,786
Total visited in Week: 40,573
Total visited in month: 278,301
Total visited in year: 2,325,783
Total visited: 39,806,413

Chủ động phòng, chống bệnh do não mô cầu

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ngày 12/6/2024, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do não mô cầu; đồng thời trên cùng địa bàn cũng ghi nhận trường hợp tử vong có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.

Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tuỷ cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia), viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu. Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5%-10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.

Về nguồn truyền nhiễm, ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Vì vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu. Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng.

Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng. Trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu và màng não tuỷ gây bệnh điển hình thì ít xảy ra hơn.

Thời kỳ lây truyền của bệnh tuỳ thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ biến mất ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. Khi ở ngoài cơ thể, vi khuẩn không tồn tại lâu trong dịch tiết mũi họng.

Phương thức lây truyền của bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra.

Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu nhưng tỷ lệ mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng thấp và tỷ lệ mắc bệnh giảm dần theo lứa tuổi tăng lên. Sau khi bị nhiễm khuẩn, kể cả những thể không có biểu hiện lâm sàng vẫn để lại miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu nhóm sau khi mắc bệnh kéo dài được bao lâu. Ở những người bị thiếu hụt bổ thể thì có thể bị mắc bệnh tái phát.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu như: Khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Đỗ Tập