Thứ 6,03/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 8,608
Tổng số trong ngày: 4,722
Tổng số trong tuần: 100,437
Tổng số trong tháng: 40,006
Tổng số trong năm: 1,555,386
Tổng số truy cập: 39,036,016

Y tá Nguyễn Thị Lơ: Tâm nguyện được đóng góp, chia sẻ với cuộc sống cộng đồng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong những năm qua, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mặc dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn, song qua thực tế hoạt động đã xuất hiện nhiều tấm gương y tế thôn bản tiêu biểu, thực sự tâm huyết, tận tụy và có trách nhiệm với công việc của mình. Trong số đó, phải kể đến y tá Nguyễn Thị Lơ – cộng tác viên y tế tổ dân phố số 4, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang. Năm nay, bà vinh dự là 1 trong 12 cá nhân tiêu biểu được ngành Y tế đề nghị UBND tỉnh vinh danh nhân kỷ niệm “60 năm ngành Y tế Bắc Giang làm theo lời Bác (27/2/1955-27/2/2015)”.
Một tâm nguyện cao đẹp:
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường trên đường Nguyễn Cao, y tá Nguyễn Thị Lơ hồ hởi khoe những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương – thành quả của 21 năm làm công tác của một cộng tác viên y tế. Có những tấm giấy khen đã bị ố vàng, như một điều minh chứng cho dòng chảy của thời gian. Tất cả đều được bà trân trọng gói ghém cẩn thận. Sự nhiệt huyết với nghề toát lên từ những việc tưởng chừng như rất đơn giản ấy. Với bà đó không chỉ là những phần thưởng cao quý mà còn là niềm khích lệ, động viên để bà quyết tâm đeo đuổi đến cùng tâm nguyện được đóng góp, chia sẻ sức lực nhỏ bé của mình với cuộc sống cộng đồng.
Xuất phát điểm từ một y tá quân đội. Sau vì hoàn cảnh gia đình, bà xin chuyển về làm công tác y tế tại Cảng Á Lữ. Đến năm 1993, sau khi về nghỉ, bà bắt đầu tham gia cộng tác viên y tế tại tổ dân phố. Lúc này, mặc dù vẫn bận bịu với công việc gia đình, chăm lo cho hai con ăn học. Song bà vẫn tranh thủ từng giờ, từng phút, không quản sớm hôm mưa nắng tận tụy với công việc vốn tất cả mọi người đều “đưa đẩy” không ai muốn làm. Bởi những năm đó, cộng tác viên y tế không được nhận một đồng thù lao nào cả. Mãi đến những năm sau này mới được nhận 20.000 đồng/tháng, rồi lên 50.000đồng và từ 1 năm trở lại đây là 160.000đồng/tháng. Người ta ví bà như “người vác tù và hàng tổng”. Cũng không ít người hồ nghi đặt câu hỏi về cái sự “không mấy bình thường” này mỗi khi thấy bà lóc cóc lúc thì vác cái cân, khi thì lỉnh kỉnh trên tay đủ thứ tờ rơi, áp phích, sổ, sách, phiếu tiêm…đi vào từng con ngõ, gõ cửa từng căn nhà. Biết vậy, nhưng bà cũng chỉ nghĩ một điều rất đơn giản: “Nếu ai cũng ngại thì lấy đâu ra người làm”.
Kinh nghiệm của một cộng tác viên y tế:
Công việc của một cộng tác viên y tế, tuy không nặng nhọc song cũng chiếm mất rất nhiều thời gian. Địa bàn rộng, có những thời điểm khi chưa tách tổ lên đến gần 400 hộ dân. Cộng với đặc điểm ở thị xã, thành phố, ban ngày phần đa các gia đình đóng cửa đi làm, cho nên làm công tác này cũng phải khéo lựa thời gian. Chỉ tính riêng việc nắm bắt số phụ nữ có thai, lập danh sách quản lý, tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc thai nghén, chăm sóc trẻ sơ sinh; quản lý số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cân – đo để hàng tháng trực tiếp đến tận nhà phát phiếu tiêm và cân đo cho các cháu đã làm không suể. Hiện trên địa bàn tổ dân phố số 4 có tổng cộng hơn 800 nhân khẩu, trong đó số phụ nữ ở độ tuối sinh đẻ là hơn 200 người, số trẻ em dưới 5 tuổi là 650 cháu. Đó là chưa kể việc phải thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống các dịch bệnh thông thường như: lao, sốt xuất huyết, an toàn vệ sinh thực phẩm…Sau này bà lại kiêm thêm cả cộng tác viên dân số, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS. Công việc tưởng đơn giản nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Những người thông cảm cho nhiệm vụ của bà cũng nhiều, nhưng cũng không ít những người tỏ ra khó chịu khi thấy bà xuất hiện. Bà chạnh lòng kể, mỉa mai có, không tiếp chuyện có, thậm chí là có cả những lời khó nghe, nhưng nếu không kiên chì thì không thể làm được công việc này. Khi hỏi về động lực nào giúp bà có thể vượt qua những lúc khó khăn ấy, bà chia sẻ đó chính là người chồng của bà. Ông cũng từng là bộ đội, sau đó xuất ngũ về làm công nhân ở Cảng Á Lữ. Mặc dù kinh tế gia đình rất khó khăn, hàng ngày phải quần quật với công việc khuân vác ở cảng than, nhưng khi về nhà ông vẫn tranh thủ đỡ đần công việc nhà những khi bà bận bịu với công tác xã hội. Đấy là sự hậu thuẫn rất lớn để bà có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bác sỹ Nguyễn Thị Tân – Trạm trưởng Trạm y tế phường Ngô Quyền ghi nhận: “Trong số 9 cộng tác viên y tế của phường, cô Lơ tuy là người nhiều tuổi nhất nhưng luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Giàu kinh nghiệm cộng với tinh thần làm việc nghiêm túc, hăng hái và say mê ít ai có được. Nhân lực của trạm rất ít, nên chúng tôi không có điều kiện để thường xuyên có mặt, đi sâu sát với cuộc sống của nguời dân. Bởi vậy, có được những cộng tác viên y tế đắc lực như cô Lơ, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm, phấn khởi và tự hào.”
Được theo chân bà trong một buổi đi thăm hộ gia đình. Kinh nghiệm của một người lâu năm trong nghề cho thấy đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của người cộng tác viên y tế. Vừa giữ mối quan hệ thân thiết, vừa để nắm bắt được các vấn đề về sức khỏe cũng như điều kiện hoàn cảnh thực tế của từng gia đình. Từ đó, kịp thời đưa ra những lời tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của người dân. Bởi vậy, trong suốt những năm tháng công tác, cứ hễ có thời gian rảnh rỗi bà lại len lỏi khắp các ngõ ngách. Người dân cũng trở nên thân quen với hình ảnh của bà và dần tạo dựng được niềm tin ở họ. Đó cũng chính là sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng của bà với sự nghiêp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Minh Thương (36 tuổi) ở tổ dân phố số 4, phường Ngô Quyền cho biết: “Thông tin về chăm sóc sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng rất phổ biến, nhưng tôi vẫn thích được học hỏi những kinh nghiệm rất thực tế của bà trong chăm sóc trẻ nhỏ. Mỗi khi hỏi, bà không chỉ tư vấn mà còn hướng dẫn rất tận tình, ân cần”.
Làm công tác xã hội đối với bà như là một niềm vui, giúp bà thực hiện được tâm nguyện của mình. Hơn 20 năm tham gia công tác, chưa lúc nào bà nghĩ tiền thù lao cần phải xứng đáng với những đóng góp của mình. Những khi có chương trình vận động quyên góp, bà không ngần ngại trích trước mấy tháng phụ cấp vốn đã rất ít ỏi để ủng hộ với tinh thần “lá lành đùm lá rách” mặc dù kinh tế gia đình bà vẫn chưa phải dư rả gì nhiều.
60 tuổi, nhưng ở bà vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề và với đời. Khi chúng tôi hỏi đến khi nào bà sẽ thôi không tham gia cộng tác viên y tế. Bà cười rất tươi đùa vui rằng: “Khi nào nhân dân không cho làm nữa thì thôi”. Có thể nói, những cộng tác viên y tế như y tá Nguyễn Thị Lơ thực sự rất cần thiết cho đội ngũ y tế cơ sở hiện nay. Bà là một tấm gương sáng cho các cộng tác viên y tế thôn bản trong tỉnh nói riêng, cán bộ ngành Y tế nói chung học tập và noi theo. 

Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.