Thứ 5,02/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 8,663
Tổng số trong ngày: 10,984
Tổng số trong tuần: 92,493
Tổng số trong tháng: 32,062
Tổng số trong năm: 1,547,442
Tổng số truy cập: 39,028,072

Ung thư thanh quản - Một số điều cần biết

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Ung thư thanh quản là các khối u ác tính xuất phát từ biểu mô thanh quản (gồm ba tầng). Đây là loại ung thư thuộc đường hô hấp trên. Ở giai đoạn phát triển, ung thư có thể xâm lấn các khu vực xung quanh và lan rộng đến các vùng khác của cơ thể.

Tại Việt Nam, ngày càng gặp nhiều thể ung thư thanh quản đơn thuần hơn là ung thư hạ họng. Người mắc bệnh chủ yếu là nam giới, chiếm đến 96,9%, tập trung ở độ tuổi 45 – 65.

Hình ảnh giải phẫu thanh quản

 

 

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư thanh quản

Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ung thư thanh quản. Những người có một số yếu tố nguy cơ sau sẽ có khả năng bị ung thư thanh quản cao hơn. 

Tuổi: Ung thư thanh quản thường gặp ở những bệnh nhân trên 55 tuổi.

Giới: nam giới có nguy cơ bị ung thư thanh quản cao gấp 4 lần nữ giới.

Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn rất nhiều, đcặ biệt kèm theo thường xuyên uống rượu thì khả năng bị bệnh càng cao.  Những người đã ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư thực quản cũng như ung thư phổi, khoang miệng, tuỵ, bàng quang và thực quản. 

Rượu: Những người uống rượu sẽ có nguy cơ cao hơn bị mắc bệnh ung thư thanh quản so với những bệnh nhân không uống rượu. Nguy cơ tăng cao tuỳ thuộc lượng rượu uống vào. Nguy cơ này cũng tăng lên khi bệnh nhân vừa uống rượu vừa hút thuốc.

Tiền sử bản thân: Những bệnh nhân có tiền sử bị các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có nguy cơ cao hơn bị ung thư thanh quản.

Nghề nghiệp: Công nhân tiếp xúc với acid sulfuric hoặc niken có nguy cơ cao bị ung thư thanh quản. Ngoài ra, tiếp xúc với amiăng cũng làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh này. Những công nhân làm việc với amiăng cần phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc an toàn làm việc để tránh bị hít phải bụi amiăng.

Những nghiên cứu khác cho rằng bị nhiễm một số loại virus hoặc chế độ ăn thiếu vitamin A cũng làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh này. Một yếu tố nguy cơ khác là bệnh trào ngược dạ dày thực quản làm cho dịch vị trào ngược lên thực quản.

Triệu chứng của ung thư thanh quản

Triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u ác tính

Khàn tiếng: Là triệu chứng sớm và chủ yếu của ung thư thanh quản, biểu hiện giọng khàn, kéo dài và tăng dần, dùng thuốc không đỡ. Tính chất khàn thô, cứng (rè, giọng cứng như gỗ).

Ho khan, tiếp là ho khạc đờm nhầy lẫn máu.

Khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật mắc ở họng.

Rối loạn nuốt: Khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng, người bệnh có thể bị nuốt vướng, nghẹn, đau.

Khó thở thanh quản: Xảy khi khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản.

Các triệu chứng này có thể do ung thư khác gây ra hoặc do bệnh khác ít nghiêm trọng hơn. 

Những bệnh lý hay gặp gây khản tiếng kéo dài:

Viêm thanh quản: thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát.

Hạt xơ dây thanh: xuất hiện trên dây thanh làm cho 2 dây thanh đóng không kín. Thường gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, hụt hơi, mệt mỏi.

Nang nước dây thanh: Cũng làm cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, có cảm giác vướng, đau họng.

U lành thanh quản như u xơ, polype: Các bệnh này gây ra tình trạng thanh quản không đóng kín, gây khàn tiếng. Nếu u to có thể gây ra chèn ép, khó thở.

Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: Đây là dây thần kinh chi phối giọng nói. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, cũng gây ra khàn tiếng.

Ung thư thanh quản: Triệu chứng ban đầu có khi chỉ là khàn tiếng kéo dài, sau đó ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân.

Cách phòng ngừa ung thư thanh quản :

Ung thư thanh quản là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

Bỏ hút thuốc lá và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói khác

Hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu và các thức uống chứa cồn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguy cơ phát triển ung thư thanh quản sẽ giảm đáng kể trong vòng 5 đến 10 năm không sử dụng rượu.

Sử dụng thiết bị an toàn khi thường xuyên phải tiếp xúc với amiăng hoặc các chất độc khác tại nơi làm việc.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn uống có nhiều trái cây tươi và rau quả, đặc biệt là cà chua, trái cây họ cam quýt (như cam, bưởi và chanh), dầu ô liu, dầu cá… có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản.

 

 
 

 


Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.