Thứ 5,20/06/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 10,152
Tổng số trong ngày: 9,821
Tổng số trong tuần: 59,059
Tổng số trong tháng: 296,787
Tổng số trong năm: 2,344,269
Tổng số truy cập: 39,824,898

Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phòng, chống bệnh lao

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu của bệnh lao cho đến khi phát hiện thì bệnh đã vào giai đoạn nặng, phải mất rất nhiều thời gian để điều trị. Do đó, sớm nhận biết những triệu chứng mắc bệnh lao phổi trong giai đoạn đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Do đó, công tác truyền thông phòng chống bệnh lao giữ vai trò rất quan trọng để mọi người dân nắm được các dấu hiệu của bệnh và cách phòng, chống lao.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phòng, chống bệnh lao. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao. Trách nhiệm của nhà nước và của toàn xã hội với nhiệm vụ phòng, chống bệnh lao, mọi người đều có quyền và nghĩa vụ phòng, chống bệnh lao. Tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh lao đến toàn thể nhân dân để mọi người dân biết cách phòng, tránh, nhận biết được dấu hiệu mắc bệnh. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu tập trung vào nội dung: bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn; bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.

Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phòng, chống bệnh lao

Thông qua việc tuyên truyền về bệnh lao và công tác phòng, chống bệnh lao giúp người dân hiểu, không mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, người bệnh, người nhà người bệnh tham gia tích cực vào tuyên truyền về bệnh lao để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh lao. Huy động cộng đồng xã hội tham gia truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống bệnh lao.

Tại Quyết định 162/QĐ-BYT ngày 19/01/2024 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao” đã quy định rất cụ thể về người nghi mắc bệnh lao là người có ít nhất một trong các biểu hiện sau:  triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao, tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, hình ảnh bất thường nghi lao trên Xquang ngực hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Theo đó, các triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao phổi, đối với người lớn ho kéo dài trên 02 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể có các biểu hiện: Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; Sốt nhẹ về chiều, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân trên 02 tuần; Ra mồ hôi đêm; Đau ngực, đôi khi khó thở. Đối với trẻ em, bệnh diễn biến kéo dài trên 02 tuần, với ít nhất một trong các biểu hiện: Ho kéo dài; Khò khè kéo dài, tái diễn không đáp ứng với thuốc giãn phế quản; Giảm cân hoặc không tăng cân không rõ nguyên nhân trong vòng 03 tháng gần đây; Sốt không rõ nguyên nhân; Mệt mỏi, giảm chơi đùa; Chán ăn; Ra mồ hôi đêm; Triệu chứng viêm phổi cấp tính không đáp ứng với điều trị kháng sinh 02 tuần. Triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao ngoài phổi: có thể có các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng tại cơ quan ngoài phổi nghi mắc lao.

Tập huấn công tác phòng chống bệnh lao

Hình ảnh bất thường nghi lao trên Xquang ngực ở người lớn, tổn thương hay gặp ở phân thùy 1, 2 của thùy trên và phân thùy 6 của thùy dưới. Trong thực hành vị trí 1/3 trên của phổi là những vị trí hay gặp tổn thương lao. Các hình thái tổn thương thường gặp là: Đông đặc nhu mô phổi: thường là đông đặc một vài phân thùy tại các vị trí khác nhau, vùng phổi đông đặc thường không đồng nhất, hay đi kèm các đường mờ (xơ), hiếm gặp hơn là đông đặc cả thùy phổi (viêm phổi do lao). Đông đặc có thể hình thành bởi các nốt lớn có bờ viền không rõ, các nốt này tập trung hay kết dính thành đám. Hang: là tổn thương hay gặp, số lượng có thể nhiều hay duy nhất một hang, kích thước hang có thể to, nhỏ, thành dày, mỏng khác nhau nhưng thành bên trong của hang luôn nhẵn đều, hang rỗng (khác biệt với hang do ung thư hoặc do nấm, đặc biệt là nấm Aspergillus phổi mạn tính). Hang thường xuất hiện bên trong vùng phổi đông đặc hay bên trong nốt, hình ảnh mức dịch trong hang không phổ biến. Tràn dịch màng phổi: số lượng dịch có thể nhiều, ít. Dịch hay gặp một bên nhưng có thể hai bên. Dịch tự do hay khư trú. Tràn dịch màng phổi có thể đơn thuần hoặc kèm theo tổn thương trong nhu mô phổi. Tràn dịch màng phổi có thể đồng hành với dày hay vôi màng phổi. Các tổn thương hiếm gặp hơn gồm: Nốt: hình thái tổn thương này có thể gặp nốt nhỏ, dạng kê lan tỏa hai phổi, u lao dưới dạng 1 nốt. Hình thái phổ biến hơn cả của nốt là các nốt có bờ viền mờ to hơn nốt kê (nốt phế nang), các nốt này thường kết dính thành từng đám, hình thành các ổ đông đặc. Khi nốt xuất hiện cùng hang hay đông đặc nhưng ở khác thùy, hình ảnh này phản ánh tổn thương phát triển theo hướng phế quản. Xẹp phổi: xẹp phổi do tổn thương đường thở (lao đường thở) hay xẹp do xơ sẹo (co kéo). Xẹp thường ở thùy trên, cá biệt có thể gây xẹp một phổi. Hình thái xẹp do xơ sẹo thường gặp hơn là do tổn thương đường thở.

Khám phát hiện chủ động bệnh lao cho nhóm trẻ em nghi lao tại cộng đồng huyện Yên Thế

Hình ảnh nghi ngờ lao trẻ em trên Xquang ngực được chia làm hai loại: Hình ảnh có độ đặc hiệu cao, bao gồm: Phức hợp nguyên thủy: gồm hạch to trung thất, rốn phổi đi cùng với tổn thương nguyên phát tại nhu mô phổi (săng sơ nhiễm). Hình thái tổn thương này rất hiếm gặp; Hạch to rốn phổi, hạch to trung thất; Tổn thương hang; Tổn thương “ kê”; Tràn dịch màng phổi. Hình ảnh có độ đặc hiệu không cao, bao gồm: Đông đặc nhu mô (hình mờ phế nang); Hình mờ xung quanh rốn phổi. Hình mờ tổ chức kẽ (đường mờ, lưới hay lưới nốt).

Bộ Y tế quy định tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao bao gồm: Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em; Người có tiền sử chẩn đoán, điều trị bệnh lao; Người có rối loạn, suy giảm miễn dịch, như: bệnh tự miễn, nhiễm HIV, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (Corticosteroid), hoá chất điều trị ung thư, hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch khác; Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, suy thận mạn...; Trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng và trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine BCG; Người sống trong môi trường khép kín, thông gió kém, như: quản giáo, tù nhân, người bệnh tâm thần;  Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào; Nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi.

Việt Nga