Chủ nhật,28/04/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 9,016
Tổng số trong ngày: 5,260
Tổng số trong tuần: 5,259
Tổng số trong tháng: 347,167
Tổng số trong năm: 1,460,208
Tổng số truy cập: 38,940,838

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh lý của người bệnh. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa. Suy dinh dưỡng làm chậm lành vết thương, suy giảm chức năng miễn dịch, kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ biến chứng, tử vong và chi phí điều trị. Suy dinh dưỡng còn làm thay đổi chức năng đường tiêu hóa, giảm mức lọc cầu thận, thay đổi chức năng hệ tim mạch, thay đổi dược động học của thuốc, tăng tỷ lệ tái nhập viện, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chăm sóc và điều trị dinh dưỡng cho người bệnh trong thời gian nằm viện đặc biệt quan trọng với những bệnh nặng như sau phẫu thuật, ung thư, các bệnh lý đường tiêu hóa….

1.Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hỗ trợ điều trị

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là một vấn đề không thể không quan tâm khi nói đến quá trình chữa trị và hồi phục sức khỏe ở những người bệnh có tế bào khối u khởi phát trong cơ thể. Bởi lẽ, khẩu phần ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là giúp:

Ngăn ngừa ung thư tiến triển: Ung thư là sự tăng sinh tế bào mất kiểm soát do đột biến gen. Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều rau củ quả chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh, có thể ức chế sự sinh sôi quá mức của tế bào ung thư, hạn chế tình trạng di căn của khối u sang các cơ quan khỏe mạnh khác và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh.

Nâng cao sức khỏe toàn diện: Khi cơ thể đang chiến đấu chống lại bệnh tật, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng tăng lên. Cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất, chẳng hạn như vitamin A, C, E, D, K, sắt, kẽm, đồng, magie sẽ giúp cơ thể duy trì chức năng miễn dịch, hỗ trợ quá trình hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng.

Giảm thiểu tác dụng phụ: Điều trị ung thư thường gây ra tác dụng phụ như mất khả năng ngửi, mất vị giác, khó nuốt, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và nôn trớ, khiến việc duy trì cân nặng và cung cấp đủ dinh dưỡng trở nên khó khăn. Một chế độ ăn uống tốt, chẳng hạn như tăng cường tiêu thụ thực phẩm nhiều kẽm, vitamin C và K,…có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

3. Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Hiểu rõ về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư nghĩa là cần phải biết chính xác người bệnh ung thư nên ăn gì và kiêng ăn gì. Theo các chuyên gia, người bệnh ung thư nên tiêu thụ thực phẩm theo 4 nguyên tắc dinh dưỡng sau:

Ăn uống đa dạng, cân đối

Ăn uống đa dạng, cân đối là cần thiết cho bệnh nhân ung thư vì nó cung cấp một lượng đa dạng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, từ chất đạm (protein), chất đường bột, chất béo, vitamin, khoáng chất cho đến chất xơ. Các thành phần này hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường sức khỏe toàn diện.

Chia khẩu phần ăn thành 8 – 10 bữa nhỏ

Điều trị ung thư thường gây ra tác dụng phụ như nhạt miệng, chán ăn, buồn nôn, khó nuốt,… Không những thế, một trong những triệu chứng thứ cấp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 94% bệnh nhân ung thư, là tình trạng “ăn nhanh no”. Do đó, bệnh nhân nên chia khẩu phần ăn thành từ 8 – 10 bữa / ngày. Điều này giúp người bệnh ăn uống, tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất dễ dàng hơn.

Không ăn kiêng quá mức

Người bệnh ung thư không nên ăn kiêng quá mức vì khi bị ung thư tấn công, cơ thể cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn để chiến đấu với bệnh tật, hỗ trợ quá trình hồi phục và duy trì chức năng miễn dịch. Việc ăn uống kiêng khem quá mức có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất, gây suy nhược cơ thể, giảm khả năng phục hồi và tăng nguy cơ biến chứng, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều cách

Khi tình trạng ăn uống theo phương pháp truyền thống của bệnh nhân ung thư diễn tiến quá khó khăn, các bác sĩ có thể chỉ định bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

Uống sữa: Sữa, dù là sữa bò hay sữa công thức, đều là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao dành cho chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư. Bởi lẽ, việc hấp thụ sữa không làm tăng gánh nặng lên hệ tiêu hóa. Đặc biệt, trong sữa còn chứa đầy đủ cả nguyên tố dinh dưỡng đa lượng (đạm, đường bột, béo) và nguyên tố vi lượng (12 vitamin và 9 khoáng chất), giúp cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho cơ thể.

Dùng thực phẩm chức năng: Thực phẩm chức năng có thể được chỉ định khi người bệnh ung thư đang bị thiếu hụt một vài vi chất nhất định, hoặc khi không thể ăn được một vài loại thực phẩm do dị ứng, sở thích, di truyền hoặc do mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp,…

Truyền dinh dưỡng: Là phương pháp truyền dung dịch dinh dưỡng trực tiếp vào cơ thể bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc đặt ống truyền thức ăn vào đường thực quản. Phương pháp này thường chỉ được áp dụng với bệnh nhân không có khả năng ăn uống bằng đường miệng hoặc ăn qua sonde dạ dày.

Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang