Thứ 2,20/05/2024,

User Online: 17,198
Total visited in day: 11,201
Total visited in Week: 24,653
Total visited in month: 288,953
Total visited in year: 1,804,333
Total visited: 39,284,963

Cục Phòng chống HIV/AIDS chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Ngày 27/1, Cục Phòng chống HIV/AIDS vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên, Hải Dương về việc thực hiện chỉ tiêu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023.

Nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố, các cơ quan liên quan căn cứ vào tình hình dịch HIV/AIDS và kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2022 của tỉnh/thành phố để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 tại các Phụ lục ban hành kèm theo, phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi địa phương, tập trung vào các nội dung hoạt động và giải pháp chính:

Về công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS cần đổi mới công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030: - Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về HIV, đặc biệt là giảm kỳ thị và phân biệt đối sử với người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập và làm việc. Tăng cường các hoạt động truyền thông tạo nhu cầu cho nhóm đối tượng đích tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để góp phần đạt được các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Thông tin, truyền thông kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà lãnh đạo và toàn xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Triệt để lồng ghép vào các hoạt động truyền thông lĩnh vực sức khỏe và xã hội trong các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tập huấn... Ưu tiên lồng ghép các nội dung truyền thông cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV tại các khu công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, thành phố có nhiều nam thanh niên.

Về công tác can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV yêu cầu tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV. Đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của đối tượng sử dụng, kết hợp với mở rộng cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm qua kênh thương mại; tập trung ưu tiên triển khai cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí ở các vùng trọng điểm và có điều kiện kinh tế khó khăn. Mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở, cấp phát thuốc nhiều ngày; đổi mới, nâng cao chất lượng điều trị cho người nghiện ma túy; xây dựng các mô hình can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ở cả hệ thống công lập và tư nhân. Rà soát, xác định đối tượng ưu tiên cung cấp dịch vụ PrEP, mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế; xây dựng kế hoạch và triển khai đa dạng mô hình, sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ PrEP như cung cấp dịch vụ lưu động, dịch vụ PrEP từ xa (Tele PrEP).

Công tác tư vấn xét nghiệm HIV, giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi tiến độ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cần tiếp tục triển khai đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm HIV, chú trọng các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Chú trọng việc xét nghiệm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi ở các trường học và các khu công nghiệp đông nam giới. Tăng cường quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV, triển khai các hoạt động tự xét nghiệm HIV, phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm qua trang điện tử tuxetnghiem.vn. Mở rộng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện, đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Các tỉnh/thành phố chủ động xây dựng phương cách xét nghiệm khẳng định HIV tính trong trường hợp các sinh phẩm sẵn có không theo giống với phương cách xét nghiệm HIV được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo. Đảm bảo việc kết nối chuyển gửi các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính đến dịch vụ điều trị ARV; chuyển gửi các trường hợp nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính tới dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV phù hợp.

Triển khai ước tính quần thể nguy cơ cao trên địa bàn để có cơ sở ước tính và dự báo nguy cơ lây nhiễm HIV trên địa bàn. Đối với các tỉnh thuộc diện giám sát trọng điểm HIV, giang mai cần chủ động triển khai theo đúng kế hoạch và đảm bảo nâng cao chất lượng giám sát trọng điểm HIV, giang mai. Tổ chức thực hiện báo cáo ca bệnh và công tác báo cáo số liệu chương trình; tiếp tục mở rộng sử dụng phần mềm báo cáo ca bệnh cho các đơn vị xét nghiệm HIV, đơn vị giám sát dịch HIV/AIDS; thực hiện chế độ báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo đúng quy định và qua phần mềm báo cáo trực tuyến. Sử dụng số liệu để xác định các khoảng trống chất lượng dịch vụ, lập kế hoạch và cải thiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, thúc đẩy điều trị ARV trong ngày và điều trị ARV nhanh, mở rộng điều trị ARV do Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả; tiếp tục kết nối, mở rộng điều trị HIV/AIDS trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội đảm bảo duy trì điều trị ARV liên tục; triển khai quy trình phối hợp giữa cơ sở điều trị HIV/AIDS, bao gồm điều trị HIV trẻ em, với cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, cơ sở sản khoa, trong điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Xây dựng kế hoạch cung cấp xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng HIV và các xét nghiệm cần thiết khác trong điều trị ARV cho tất cả người nhiễm HIV trên địa bàn; xác định cơ sở đủ điều kiện cung cấp các xét nghiệm này do BHYT chi trả; hướng dẫn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS thực hiện cung cấp các xét nghiệm này do BHYT chi trả, xét nghiệm cho người bệnh chưa sử dụng được xét nghiệm do BHYT chi trả như phạm nhân. Hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế, quy trình phối hợp giữa cơ sở điều trị HIV/AIDS với cơ sở điều trị các bệnh không lây nhiễm, lao, viêm gan vi rút, bệnh lây truyền qua đường tình dục trong chẩn đoán, điều trị và quản lý điều trị người nhiễm HIV;

Đồng thời, đảm bảo nguồn lực, tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức, đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường năng lực và huy động y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng, giám sát dịch, truyền thông... Phê duyệt và thực hiện hiệu quả đề án đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả. Tiếp tục huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Chi tiết xem tại đây

Khánh Ly