Chủ nhật,28/04/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 8,078
Tổng số trong ngày: 3,249
Tổng số trong tuần: 3,248
Tổng số trong tháng: 345,156
Tổng số trong năm: 1,458,197
Tổng số truy cập: 38,938,827

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh Bạch hầu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

 

 

Hiện nay dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh trên cả nước. Vì vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện, sở y tế các địa phương, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca tử vong.

Cụ thể, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám chữa bệnh. Mục đích phát hiện sớm ca nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.

Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người mắc bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Các cơ sở y tế cần bảo đảm công tác phòng lây nhiễm tại đơn vị.

Với các ca lâm sàng nghi ngờ bạch hầu, các cơ sở y tế ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bạch hầu và triển khai ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca khó, ca nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, các địa phương lưu ý cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Cục cũng nhắc các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca mắc theo quy định.

Dưới đây là những điều cần biết về bệnh Bạch hầu

- Đường lây truyền: Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu còn có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên ở trên bề mặt hoặc gần bề mặt màng nhầy của cổ họng. Khi người bệnh/ người lành mang vi khuẩn bạch hầu ho hoặc hắt hơi sẽ bắn ra môi trường xung quanh những giọt nhỏ có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người...

- Thời kì lây truyền: Thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kì khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kì ủ bệnh. Thời kì lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

- Bạch hầu thể họng: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

- Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.

Biến chứng của bệnh

Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau:

- Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.

- Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

- Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu

- Trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

- Những người suy giảm miễn dịch

- Người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh

- Phòng bệnh không đặc hiệu: Cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

- Phòng bệnh đặc hiệu: Tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng. Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao (lên đến 97%) nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.

- Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao (lên đến 97%) nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang