Thứ 4,01/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 14,692
Tổng số trong ngày: 285
Tổng số trong tuần: 60,715
Tổng số trong tháng: 284
Tổng số trong năm: 1,515,664
Tổng số truy cập: 38,996,294

Bệnh sởi và cách phòng ngừa hiệu quả

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông- xuân. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023.

Bệnh lây truyền bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.

Bệnh sởi thường có những triệu chứng như: Sốt, ho khan, sổ mũi, chán ăn, chảy máu cam, có cảm giác đau họng, có thể bị viêm kết mạc, có các đốm Koplik (các đốm đỏ sáng với các trung tâm màu trắng hoặc hơi trắng có thể giống với các hạt cát) ở bên trong miệng hoặc ở phần niêm mạc trong của má.

Giai đoạn ủ bệnh sởi và tình trạng nhiễm trùng thường kéo dài khoảng 2 - 3 tuần. Thời gian từ 10 - 14 ngày đầu sau khi nhiễm virus, bệnh nhân thường không có dấu hiệu cụ thể của bệnh lý. Những triệu chứng xuất hiện lúc này dễ bị nhầm với nhiều loại bệnh lý thông thường khác. 

Sau thời gian này, bệnh nhân sẽ bị sốt nhẹ và tăng dần nhiệt độ. Đi kèm với đó là các triệu chứng như ho dai dẳng, bị sổ mũi hoặc bị viêm kết mạc và đau họng. Những triệu chứng này có thể kéo dài trong khoảng 2 - 3 ngày liên tiếp. 

Sau đó, trên người bệnh nhân sẽ có các đốm nhỏ đỏ, hơi sưng và lan rộng ra toàn cơ thể trong vài ngày. Tình trạng này được gọi là phát ban, thường kéo dài khoảng 3 - 5 ngày và biến mất sau đó. Lúc này, bệnh nhân có thể bị sốt cao, khoảng 40 - 41 độ C. 

Với những tình trạng không gặp biến chứng thì người bệnh sẽ dần hồi phục khi có phát ban. Bệnh nhân sẽ dần cảm thấy khỏe lại sau khoảng từ 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, có khoảng 40% các trường hợp bệnh nhân bị biến chứng do sởi. Các trường hợp này thường phổ biến hơn ở bệnh nhi dưới 5 tuổi, bệnh nhân trên 20 tuổi và những đối tượng bị suy dinh dưỡng hoặc có hệ miễn dịch yếu. Trong đó, những bệnh nhi dưới 5 tuổi có tỷ lệ tử vong khá cao. 

Một vài biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như: Viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, tiêu chảy, bị mờ hoặc loét giác mạc, nhiều trường hợp có thể bị mù vĩnh viễn, bị suy dinh dưỡng nặng đối với các trường hợp bệnh nhi hậu nhiễm sởi, có thể tác động xấu đến sức khỏe cũng như quá trình phát triển của các bé. Bà bầu bị sởi có nguy cơ bị sẩy, trẻ bị sinh non hoặc em bé sơ sinh nhẹ cân hơn thông thường. 

Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh, trong đó có bệnh sởi phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn.

Về biện pháp phòng bệnh, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Cùng với tiêm vắc xin, cần lưu ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật sạch sẽ: Luôn rửa tay bằng xà phòng sau trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi với dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý thường xuyên để loại trừ vi khuẩn. Hạn chế đến những nơi đông người khi đến mùa sởi để tránh nguy cơ bị lây nhiễm chéo. Không tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bị sởi.

Khi mắc bệnh sởi trẻ em cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ để tránh mắc bệnh kèm theo do suy giảm miễn dịch như viêm phổi, tiêu chảy... Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho. 

 

Đỗ Tập