Thứ 2,06/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 23,183
Tổng số trong ngày: 6,435
Tổng số trong tuần: 18,931
Tổng số trong tháng: 79,713
Tổng số trong năm: 1,595,093
Tổng số truy cập: 39,075,723

Bắc Giang: tổng kết hoạt động Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

 

Ngày 25/10/2023, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Dự án giai đoạn 2021- 2023. Tham dự Hội nghị có ông Lê Tiến Cương – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lãnh đạo trại tạm giam Công an tỉnh, Trại giam Ngọc lý, đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác PC HIV Trung tâm y tế các huyện, thành phố và các cán bộ phụ trách công tác tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hiện là dự án lớn nhất tài trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Tại tỉnh Bắc Giang Dự án được triển khai tại 10 trung tâm y tế các huyện thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, trại tạm giam Công an tỉnh và Trại giam Ngọc Lý tỉnh Bắc Giang. Là một trong 33 tỉnh, thành phố trong cả nước được Dự án hỗ trợ triển khai chương trình phòng chống HIV/AIDS từ năm 2012, đến nay, với sự hỗ trợ của Dự án các hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm HIV tự nguyện đều hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh.

Ông Lê Tiến Cương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát biểu tại Hội nghị

Trong giai đoạn 2021-2023, với việc duy trì 2 phòng xét nghiệm tự nguyện và 7 phòng xét nghiệm khẳng định HIV, tính đến 18/10/2023, toàn tỉnh đã phát hiện được 3.661 người nhiễm HIV tại 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 2.345 người nhiễm HIV còn sống, 1.316 người đã tử vong. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh phát hiện mới 68 người nhiễm (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022) trong đó Hiệp Hoà là huyện phát hiện nhiều nhất với 17 trường hợp trong 10 tháng đầu năm 2023. Duy trì hoạt động cấp phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao với 465.528 bơm kim tiêm được cấp phát trong năm 2021, 861.086 bơm kim tiêm được cấp phát trong năm 2022 và 189.115 bơm kim tiêm được cấp phát trong năm 2023; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và không có trẻ nào bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang con. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP trong năm 2023 đạt 98,3%. Số bệnh nhân có thẻ BHYT là 1247/1258 bệnh nhân đạt 99,12%. Toàn tỉnh có 1296 bệnh nhân đang điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong đó số bệnh nhân điều trị duy trì là 1263 người, số bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều là 91 người. Toàn tỉnh đang thực hiện thí điểm việc cấp thuốc methadone nhiều ngày cho một số bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Ông Trần Xuân Thanh - Trưởng khoa Phòng chống HIV.AIDS báo cáo kết quả Dự án


Trong hai năm 2022, 2023 toàn tỉnh đã có 229 lượt bệnh nhân được cấp thuốc Methadone nhiều ngày tại 5 đơn vị đang triển khai dự án gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các huyện: Hiệp Hoà, Lạng Giang, Việt Yên, Lục Nam. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án nhất là triển khai hoạt động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại các huyện, thành phố, đồng thời thảo luận các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu HIV/AIDS tại tỉnh góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan tới AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Trong gian đoạn 2024-2026, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS với mục tiêu mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%. Tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, góp phần loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm nguy cơ cao.

Đỗ Phú