Thứ 7,27/04/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 12,083
Tổng số trong ngày: 3,190
Tổng số trong tuần: 91,195
Tổng số trong tháng: 329,325
Tổng số trong năm: 1,442,366
Tổng số truy cập: 38,922,996

Đừng xem nhẹ trầm cảm sau sinh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhiều bà mẹ bối rối với đứa con mới lọt lòng, khóc lóc, sợ hãi, không dám bế con, không cho con bú, thậm chí có những hành vi nguy hiểm đối với con... chỉ vì những rối loạn tâm, sinh lý sau khi "vượt cạn". Đó là chứng trầm cảm sau sinh - một căn bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm ở phụ nữ có con nhỏ.

Nhiều bà mẹ bối rối với đứa con mới lọt lòng, khóc lóc, sợ hãi, không dám bế con, không cho con bú, thậm chí có những hành vi nguy hiểm đối với con... chỉ vì những rối loạn tâm, sinh lý sau khi "vượt cạn". Đó là chứng trầm cảm sau sinh - một căn bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm ở phụ nữ có con nhỏ.

 Các sản phụ tham gia lớp học tiền sản do Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang và Trung tâm chăm sóc sau sinh Việt - Care tổ chức.

Các sản phụ tham gia lớp học tiền sản do Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang và Trung tâm chăm sóc sau sinh Việt - Care tổ chức.

Những biến đổi tâm lý

Thống kê từ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc giang, bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sau sinh chủ yếu là bà mẹ có con lần đầu, tuổi từ 20 - 30, ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong số hàng trăm bệnh nhân từng đến đây chữa trị, có một phụ nữ tên T ở TP Bắc Giang vì mắc chứng trầm cảm sau sinh mà suýt cướp đi tính mạng của con trai chưa đầy 3 tháng. 

Theo lời kể của cán bộ y tế bệnh viện, thời gian ở cữ, con quấy khóc nhiều khiến chị T thường xuyên căng thẳng, bất an. Trong khi chồng thiếu sự quan tâm, chia sẻ; con dâu với bố mẹ chồng vì thế cũng nảy sinh mâu thuẫn… Cứ thế, những ức chế tâm lý lớn dần, người mẹ sống thu mình và nhiều lần muốn làm hại con. Gia đình phát hiện những biến đổi bất thường trong cách cư xử và đưa đi điều trị. Thời gian đầu, bệnh nhân ở trạng thái trầm cảm nặng, chưa nhận thức được hành vi của mình. Sau một thời gian trị liệu tâm lý, sức khỏe của chị T khá hơn, hiện đã đi làm bình thường.

Thời gian gần đây, trầm cảm sau sinh có dấu hiệu gia tăng. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trung bình mỗi năm tiếp nhận, điều trị cho khoảng 20 phụ nữ mắc chứng bệnh này, trong khi vài năm trước số trường hợp đến khám rất ít. Đây là con số thống kê không đầy đủ bởi trên thực tế còn nhiều phụ nữ có dấu hiệu mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện hoặc không đến cơ sở y tế để can thiệp. 

Những biểu hiện ban đầu là: Mất ngủ, lo lắng, ít nói, cáu giận vô cớ... Trường hợp chị M, ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn), mới sinh con thứ hai được 5 tháng là một ví dụ. Từ khi em bé ra đời, cuộc sống vợ chồng và gia đình đảo lộn. Chị M tâm sự: “Từ lúc sinh con xong tôi thấy tâm lý thay đổi nhiều, hay cáu gắt với chồng, luôn cảm thấy tủi thân, buồn và khóc. Rồi thấy bản thân không đủ khả năng chăm sóc con nên không muốn gần gũi, thậm chí là không cho con bú”. Cũng may, chồng chị luôn kề bên, quan sát những thay đổi của vợ nên đã kịp thời can thiệp, giúp chị M vượt qua giai đoạn này.

Hỗ trợ, sẻ chia

Vừa qua, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sau sinh Việt - Care (TP Bắc Giang) phối hợp tổ chức lớp học tiền sản, thai giáo an toàn cho hơn 200 phụ nữ đang mang thai. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn các bài thai giáo, kỹ thuật vượt cạn, các bước chăm sóc em bé an toàn...

Hơn 9 tháng mang thai, có không ít phụ nữ rơi vào trạng thái bối rối khi đối mặt với thiên chức làm mẹ trong đời. Sức khỏe chưa kịp bình phục sau ca sinh nở với nhiều lo lắng, họ phải đối mặt ngay với chuyện chăm sóc em bé... Những đêm mất ngủ triền miên, cùng với sự thiếu quan tâm, hỗ trợ của người thân trong gia đình khiến nhiều bà mẹ rơi vào trạng thái trầm cảm. Khi bệnh trở nặng có thể dẫn đến sát hại con và tự sát. 

Minh chứng rõ nét nhất về sự nguy hiểm của căn bệnh này là vụ án mẹ giết con gây chấn động dư luận ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) năm 2017. Trên địa bàn tỉnh năm 2015 cũng có một bà mẹ do trầm cảm sau sinh mà tự tay giết chết con gái hơn 2 tháng tuổi.

Để phòng tránh trầm cảm sau sinh, theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Ngọc, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, các bà mẹ nên tích cực tìm hiểu kiến thức chăm sóc bản thân khi thai nghén và nuôi con; tham gia các hoạt động thư giãn để giảm bớt căng thẳng, áp lực. 

Đặc biệt, chồng và những người thân trong gia đình cũng cần chú ý, phát hiện sớm các biểu hiện ở bà mẹ sau sinh và tìm sự trợ giúp kịp thời. Gia đình nên động viên người mẹ đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần khi có các dấu hiệu của bệnh.

Có một thực tế là hiện nay, không ít nam, nữ thanh niên chưa có đầy đủ thông tin về trầm cảm sau sinh, chính vì vậy, khi gặp căn bệnh này sẽ lúng túng trong xử trí, không có giải pháp hiệu quả giúp đỡ người bạn đời, vì vậy dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. 

Nhiều ý kiến cho rằng, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà bầu, nuôi dạy con tốt; bệnh viện mở thêm các lớp hướng dẫn thai giáo, giúp các bà mẹ có thêm hiểu biết, giảm những áp lực không đáng có khi mang thai và nuôi con nhỏ.


Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.