Thứ 6,24/05/2024,

User Online: 33,803
Total visited in day: 2,296
Total visited in Week: 92,164
Total visited in month: 356,464
Total visited in year: 1,871,844
Total visited: 39,352,474

Huyện Yên Dũng mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại huyện Yên Dũng nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, Yên Dũng đã triển khai nhiều biện pháp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn.

Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Yên Dũng phấn đấu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được chuyển tuyến điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV). 95% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế. Để đạt được mục tiêu trên, Yên Dũng nỗ lực đạt được các chỉ tiêu: 100 % các xã, thị trấn tuyên truyền, rà soát người nghiện ma túy đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo chỉ tiêu được giao; Lũy kế đạt 100% người nghiện ma túy được điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone theo kế hoạch; 90% người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2024; 174 người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm, bao cao su; 100% người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút; 100% bệnh nhân đang điều trị ARV hoàn thành điều trị Lao tiềm ẩn.

Yên Dũng sẽ tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền trên báo chí, chú trọng tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng độc giả lớn, trên các hình thức thông tin cơ sở (đài truyền thanh, bảng tin công cộng, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở...), tuyên truyền cổ động (pano, áp phích...), xây dựng các sản phẩm truyền thông (video clip, phim...). Yên Dũng còn tăng cường tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội, các ứng dụng có khả năng tiếp cận và được nhóm đối tượng đích thường sử dụng. Các thông tin, kiến thức, tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và thông điệp tích cực về bệnh HIV/AIDS được cung cấp đầy đủ trên Cổng/Trang thông tin điện tử của ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó Yên Dũng đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, đối tượng ưu tiên truyền thông là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, mua dâm, người có quan hệ tình dục với các đối tượng trên, vợ, chồng, bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Ngoài ra còn một số đối tượng khác: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bao gồm phụ nữ mang thai, gia đình có người nhiễm HIV, người dân ở vùng sâu, vùng xa, người thuộc nhóm người di biến động, lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương các cấp.  Công tác truyền thông được tăng cường hơn nữa trong các sự kiện như: Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng mô hình các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS và các mô hình dựa vào cộng đồng khác trên địa bàn.

 Đồng thời Huyện Yên Dũng đẩy mạnh triển khai các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Huyện đổi mới tư duy truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, truyền thông tích cực, huy động người nhiễm HIV và người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao tham gia vào các hoạt động truyền thông.  Nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc. Các giải pháp được triển khai đồng bộ để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế. Các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV được khuyến khích tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.  Xây dựng tài liệu truyền thông về HIV/AIDS với nội dung và thông điệp phù hợp với nhóm đối tượng, truyền tải các thông điệp mới có tính tích cực để giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với HIV/AIDS và sự tự kỳ thị của người nhiễm HIV. Triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế thuộc ngành Y tế tỉnh Bắc Giang theo Chỉ thị số 10/CTBYT ngày 26/12/2017 của Bộ Y tế. 

Đặc biệt Huyện Yên Dũng đẩy mạnh mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Huyện tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV. Các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí được đa dạng hóa phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Đẩy mạnh việc phát miễn phí qua tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên, cơ sở tư vấn xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS được đẩy mạnh. Việc kết nối, phối hợp và quản lý các tổ chức, các dự án triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được tăng cường mạnh mẽ. Cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS, đồng đẳng viên, cộng tác viên, tình nguyện viên tại các tuyến được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo và đào tạo lại về các can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV với các thông điệp truyền thông và chiến lược can thiệp mới, các kỹ năng tiếp cận, truyền thông, giới thiệu chuyển gửi khách hàng tiếp cận dịch vụ y tế.

Bích Hợp