Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 16,592
Tổng số trong ngày: 1,723
Tổng số trong tuần: 21,961
Tổng số trong tháng: 35,877
Tổng số trong năm: 2,083,359
Tổng số truy cập: 39,563,989

Lạng Giang: Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

         Nông sản, thực phẩm đang là vấn đề được xã hội quan tâm, bởi nó liên quan đến chính bữa cơm của mỗi gia đình. Việc sử dụng nông sản sạch, đảm bảo chất lượng ATVSTP đang được các bà nội trợ quan tâm, sử dụng cho gia đình. Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng nông sản an toàn, đảm bảo ATTP, thời gian qua, huyện Lạng Giang đã và đang áp dụng xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau, quả và chăn nuôi gia sức, gia cầm, thủy cầm an toàn để cung cấp ra thị trường, phát triển kinh tế xã hội địa phương và đảm bảo được ATTP cho nhân dân trên địa bàn.

Để thực hiện xây dựng một nền nông nghiệp an toàn trên địa bàn huyện, từ năm 2014, UBND huyện Lạng Giang đã lựa chọn và xây dựng được 18 cánh đồng mẫu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Phần lớn các cánh đồng mẫu đều đã được dồn điền, đổi thửa và được ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với một số công ty sản xuất và chế biến thực phẩm: Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Tân Nông; Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C; Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương.

Các cánh đồng mẫu trên địa bàn đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI và "3 giảm, 3 tăng” - giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả; áp dụng 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch tại 18/18 cánh đồng, sử dụng 100% giống lúa lai LC 212 và giống lúa chất lượng QR1, thiên ưu 8 có cùng thời vụ sản xuất gieo trồng, chăm sóc thu hoạch, áp dụng đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản.

          Trong sản xuất cây rau chế biến, rau an toàn, huyện đã xây dựng được các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao: Duy trì diện tích rau chế biến 250-280 ha/năm các loại rau chế biến, chủ yếu là: Dưa bao tử, dưa nhật, ngô ngọt. Duy trì diện tích trồng khoai tây chế biến hàng năm là trên dưới 95 ha, tập trung ở các xã: Tân Hưng, Đào Mỹ, Hương Lạc... Xây dựng và duy trì 05 cánh đồng mẫu, quy mô trên 20 ha chuyên sản xuất trồng các loại rau chế biến ở vụ Đông, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương, đồng thời phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, chế biến của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

 Nhằm duy trì và mở rộng các vùng trồng rau an toàn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Phòng Kỹ thuật tổng hợp- Sở Nông nghiệp lựa chọn một số xã: Thái Đào, Tiên Lục, Quang Thịnh sản xuất rau an toàn với tổng diện tích duy trì ổn định hàng năm từ 300 - 320 ha (trong đó có 05 ha rau VietGAP tại xã Quang Thịnh được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh công nhận).  Đồng thời đưa vào thử nghiệm và nhân rộng mô hình tập trung sản xuất sản phẩm an toàn trong sản xuất rau, quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm gắn với giám sát chất lượng theo “Chuỗi thực phẩm”. Tập trung xây dựng các mô hình nhà lưới trồng rau ứng dụng công nghệ cao trồng các loại như dưa bao tử, rau cải, súp lơ, rau họ thập tự và một số loại rau mới của Hàn Quốc… cơ bản sản phẩm làm ra được ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, còn một số bán cho tư thương và các chợ tại địa phương.

Bên cạnh đó, mô hình nhà lạnh trồng nấm ứng dụng công nghệ cao ở xã Tiên Lục và Nghĩa Hưng (Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Tiến tại thôn Vàng, xã Tiên Lục và Hợp tác xã Hưng Vượng tại thôn Khoát, Nghĩa Hưng); mô hình nhà màng trồng nấm ở xã Dương Đức trồng các loại nấm mới có giá trị năng xuất cao như: Nấm đông trùng hạ thảo, sò tím, mộc nhĩ… cũng được đầu tư và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP cho các sản phẩm nông sản tại địa phương.

          Trên địa bàn huyện hiện đầu tư, xây dựng được 17 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp& PTNT, nhiều trang trại đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lớn như: Trang trại chăn nuôi lợn sinh sản khép kín theo hướng công nghiệp hiện đại của anh Giáp Văn Lợi tại thôn Chung, xã Tân Thanh quy mô 500 lợn nái siêu nạc; Trang trại chăn nuôi lợn thịt siêu nạc của anh Nguyễn Ngọc Tuấn tại thôn Kép, xã An Hà; Trang trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã Thao Thanh, xã Xuân Hương... phần lớn các trang trại đều thực hiện nuôi theo hướng an toàn và đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài đầu tư, xây dựng mở rộng các mô hình sản xuất nông lâm thủy sản an toàn, huyện còn tập trung nâng cao nhận thức của người dân thông qua công tác tập huấn, giám sát việc thực hiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, đồng thời phối hợp với Mặt trận tổ quốc tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp an toàn.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường. Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; quan tâm phát triển các vùng, mô hình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP,... để tạo sự chuyển dịch rõ rệt trong việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông sản, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng ATTP của nhân dân.

Đỗ Phú