Thứ 6,14/06/2024,

User Online: 5,511
Total visited in day: 8,368
Total visited in Week: 103,455
Total visited in month: 221,477
Total visited in year: 2,268,959
Total visited: 39,749,589

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

        Để chủ động phòng ngừa ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên đia bàn tỉnh Bắc Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

        Cán bộ y tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể trường mầm non

         Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông pháp luật về ATTP như: Luật ATTP; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng rượu, bia; Luật Hình sự quy định đối với tội danh liên quan đến ATTP…); kiến thức thực hành về ATTP, kiểm soát thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn; thực hành tốt vệ sinh cá nhân trong ăn uống, “ăn chín, uống sôi”, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Các hoạt động truyền thông được tổ chức lồng ghép trong các buổi dã ngoại, trong các buổi sinh hoạt tập thể nhằm chuyển tải các thông điệp truyền thông kiến thức về ATTP đến cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh (HS), sinh viên (SV); qua đó nâng cao nhận thức và thực hành đúng về ATTP và chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, HS, SV không mua quà vặt, ăn uống trước cổng trường nhằm bảo đảm ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng về ATTP tại nơi dễ quan sát nơi ăn uống, nơi công khai thực đơn và nơi tổ chức căng tin... để phụ huynh, HSSV, người dân kịp thời phản ảnh khi có hiện tượng mua bán, sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATTP/vi phạm về ATTP. Các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế); Các cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng GD&ĐT công khai số điện thoại đường dây nóng của huyện, thành phố, Phòng GD&ĐT và Trung tâm Y tế/Phòng Y tế huyện, thành phố.

        Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục có tổ chức căng tin, phục vụ ăn bán trú nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP và thực hành trong phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đối với các căng tin chỉ bán thực phẩm bao gói sẵn phải được bố trí tại địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác. Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại. Nền nhà thoát nước tốt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước. Cơ sở phải có đủ nước hợp vệ sinh để kinh doanh thực phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Có trang thiết bị hoặc biện pháp để duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo các quy định về bảo quản của nhà sản xuất và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

        Khu vực chứa đựng, kho bảo quản thực phẩm phải duy trì điều kiện nhiệt độ, độ ẩm; ánh sáng, thông gió và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm theo các quy định về bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất. Có biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại.  Sản phẩm thực phẩm không để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng có khả năng gây mất an toàn thực phẩm.

       Đối với căng tin phục vụ học sinh ăn bán trú (bếp ăn tập thể) yêu cầu phải có đủ diện tích để bố trí các khu vực của bếp ăn tập thể bảo đảm thuận tiện cho việc vận chuyển thực phẩm; khu vực chế biến thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hoá chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác. Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến (đảm bảo nguyên tắc 1 chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng). Thiết kế khu vực chế biến, bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh; cống rãnh khu vực chế biến thực phẩm, ăn uống phải thông thoát, không ứ đọng, được vệ sinh khai thông thường xuyên. Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ phải có đủ dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín (có dấu hiệu để nhận biết dụng cụ dùng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín), dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinhụng, dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô. Chỉ sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế và được đựng trong bao bì dễ nhận biết, có hướng dẫn sử dụng, không được để trong nơi chế biến thực phẩm và ăn uống. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được khám sức khoẻ, được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải tuân thủ quy định về thực hành vệ sinh như: Phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng, đeo khẩu trang; giữ móng tay ngắn, sạch sẽ; không đeo nhẫn, đồng hồ; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực chế biến thực phẩm.

        Đối với nhà trường tổ chức ăn bán trú cho HS theo hình thức mua suất ăn chế biến sẵn, Sở GD&ĐT yêu cầu phải thực hiện ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân chế biến cung cấp suất ăn đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, phân công cán bộ phụ trách chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng của suất ăn, thực hiện bảo quản trong vận chuyển; thực hiện kiểm thực 03 bước (Bước 3); lấy mẫu thức ăn lưu 24h theo quy định.

       Sở GD&ĐT yêu cầu các căng tin tuyệt đối không được bán thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, thực phẩm không có bao bì, nhãn hoặc thực phẩm nhập khẩu không có thương phẩm công bố và gắn nhãn phụ theo quy định. Không được bán thuốc lá, các hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; không được bán thuốc lá cho HS theo quy định. Việc kinh doanh bán thuốc lá theo quy định hiện hành. Nghiêm chỉnh chấp hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.  Không được bán, phục vụ rượu, bia, đồ uống có ga cho HS theo quy định; không được thực hiện các hoạt động quảng cáo, khuyến mại rượu, bia, đồ uống có ga.

       Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng tăng cường lãnh đạo nhà trường thực hiện niêm yết công khai đối với nguồn gốc thực phẩm; thực đơn tại nơi thuận tiện để cho cha mẹ học sinh phối hợp giám sát. Các trường thành lập tổ tự kiểm tra, giám sát thực hành về ATTP tại Bếp ăn tập thể của nhà trường, có mời đại diện cha mẹ HS tiến hành kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hành trong suốt quá trình nhập, bảo quản, sơ chế, chế biến, sử dụng, lưu mẫu thực phẩm. Hình thức giám sát định kỳ hoặc giám sát đột xuất. Phòng Y tế, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP từ khâu nhập, bảo quản, sơ chế, chế biến, sử dụng, lưu mẫu thực phẩm; trách nhiệm thực hiện của Ban Giám hiệu nhà trường tại các trường học theo phân cấp quản lý.

Việt Nga