Thứ 3,18/06/2024,

User Online: 5,612
Total visited in day: 9,386
Total visited in Week: 36,209
Total visited in month: 273,937
Total visited in year: 2,321,419
Total visited: 39,802,049

Bắc Giang tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP), UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP theo nội dung Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm QLNN về ATTP, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm QLNN về ATTP trong tình hình mới.

Tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP theo quy định; tăng cường kiểm soát ATTP đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại các chợ, xung quanh các khu, cụm công nghiệp, trong các doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên truyền thông, giáo dục kiến thức, pháp luật, thực hành đúng về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh của các thôn, khu phố; tiếp tục đầu tư tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan (pano, khẩu hiệu…) tại các khu vực đông dân cư, trong các chợ, khu vực gần doanh nghiệp, trường học…; duy trì đường dây nóng tại các cấp để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân đối với các hành vi vi phạm về ATTP, kịp thời xử lý các “điểm nóng” về ATTP trên địa bàn. Tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; việc chấp hành điều kiện bảo đảm ATTP và vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát ATTP đối với các cơ sở thực phẩm trên địa bàn và theo phân cấp quản lý, xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP. Xây dựng đề án/kế hoạch về quản lý, kiểm soát các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố xung quanh các khu, cụm công nghiệp và trên địa bàn, gắn với quản lý ATTP trong đề án phát triển kinh tế ban đêm của địa phương (thời gian xây dựng đề án/kế hoạch của địa phương xong trước ngày 15/7/2024 và gửi về Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh để tổng hợp); chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị chức năng và UBND xã, phường, thị trấn trong triển khai thực hiện đề án/kế hoạch đã ban hành trong những tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo bảo đảm có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương; chú trọng việc tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm xung quanh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vào thời gian ngoài giờ hành chính.

Hằng năm, tổ chức triển khai lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, nhất là các sản phẩm/ nhóm sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm được tiêu dùng nhiều tại thời điểm trước và sau khi thu hoạch, khi lưu thông trên thị trường tại chợ dân sinh, chợ tạm và tại các cơ sở thực phẩm; kịp thời ngăn chặn, xử lý các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn và khuyến cáo, hướng dẫn người tiêu dùng chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Tăng cường nhân rộng mô hình bảo đảm ATTP; triển khai giám sát ngẫu nhiên về nguồn gốc, chất lượng ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mẫu thức ăn của các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động giám sát, hướng dẫn việc chấp hành điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học trên địa bàn.

Đối với các các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chủ động triển khai công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chức năng về triển khai công tác QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực ngành quản lý, nhất là kiểm soát chặt chẽ về điều kiện ATTP đối với cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, chế biến, thu gom, giết mổ, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và phát triển “chuỗi” cung cấp thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn việc sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm an toàn; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát ATTP đối với các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo phân cấp, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP. Triển khai lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm đối với các nhóm thực phẩm/sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản trước và sau khi thu hoạch, khi lưu thông, kinh doanh trên thị trường để kiểm soát chủ động chất lượng ATTP; kịp thời cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Sở Công Thương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chức năng về triển khai công tác QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực ngành quản lý, nhất là kiểm soát ATTP đối với các cơ sở nhỏ lẻ và các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc kết nối, tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, chú trọng phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và trên địa bàn xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát ATTP đối với các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo phân cấp; xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP; Triển khai lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm đối với các nhóm thực phẩm/sản phẩm thực phẩm thuộc ngành quản lý, kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người tiêu dùng áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn. 2.3.

Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, hướng dẫn về ATTP và nhân rộng mô hình bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý; chú trọng triển khai việc lấy mẫu nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mẫu thức ăn của các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để kiểm nghiệm, đánh giá chỉ tiêu ATTP theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP. Triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành; kịp thời cảnh báo, khuyến cáo đến người tiêu dùng áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan, địa phương có khu công nghiệp triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thực hành đúng về ATTP cho người lao động của các doanh nghiệp và kiểm soát về ATTP trên địa bàn xung quanh các khu công nghiệp tỉnh; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát và xử lý các sự cố về ATTP đối với các doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca cho người lao động trong các khu công nghiệp tỉnh.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tăng cường đấu tranh chống gian lận thương mại, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân nhập lậu thực phẩm, sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng ATTP; tiến hành điều tra, xử lý hình sự đối với các vi phạm về ATTP, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng. Các cơ quan khác là thành viên BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai công tác bảo đảm ATTP; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP theo quy định; đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các giải pháp phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác QLNN về ATTP.

Việt Nga