Thứ 5,20/06/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 10,406
Tổng số trong ngày: 9,914
Tổng số trong tuần: 59,152
Tổng số trong tháng: 296,880
Tổng số trong năm: 2,344,362
Tổng số truy cập: 39,824,992

Tăng cường phòng, chống bệnh tay, chân miệng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực miền Bắc đã ghi nhận 3.904 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số mắc tay chân miệng ở miền Bắc và toàn quốc có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây ta. 

    Tại tỉnh Bắc Giang từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 107 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng rải rác ở các huyện, thành phố, thị xã, trong đó có 02 ổ dịch nhỏ trong gia đình ở huyện Việt Yên, không có trường hợp tử vong. Đa số các ca mắc là trẻ dưới 5 tuổi, số ca mắc tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023 (38 trường hợp), bệnh có xu hướng tăng cao trong những tuần gần đây.

     Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã, các KCN trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện tốt việc phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh tay chân miệng, các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng cho người dân và cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, bệnh lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, miệng, có thể kèm theo loét miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. 

    Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch, xử lý kịp thời, triệt để tránh lây lan ra diện rộng. Khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh nghi/mắc tay chân miệng, tiến hành điều tra thu thập các thông tin cơ bản (tên tuổi địa chỉ, ngày phát bệnh, đang điều trị tại cơ sở…), lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm hoặc và gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác 

    Chủ động phối kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các Nhà trường trên địa bàn tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong trường học, đặc biệt là các nhà trẻ. Tăng cường vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”, đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Hướng dẫn nhà trường cách phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để trẻ được khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời

    Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Đỗ Phú