Thứ 6,17/05/2024,

User Online: 10,086
Total visited in day: 7,297
Total visited in Week: 71,349
Total visited in month: 244,071
Total visited in year: 1,759,451
Total visited: 39,240,081

Tăng cường hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

       Ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, để thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, xây dựng và ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, công bố một số kiến trúc, mô hình, danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.

       Để tăng cường hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, trên tinh thần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tránh sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, triển khai một số nhiệm vụ sau:

      Các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm việc đầu tư và sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước được sử dụng đúng nội dung, đúng tính chất nguồn kinh phí, đúng mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả. Việc ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghê thông tin, chuyển đổi số phải phù hợp với các văn bản: Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg; Kiến trúc Chính phủ điện tử của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quyết định số 2323/QĐBTTTT ngày 31/12/2019; nghị quyết của các cấp ủy về chuyển đổi số; nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực và trên địa bàn địa phương mình và các chiến lược, hướng dẫn đã được ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

      Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin và triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cần thực hiện theo quy trình, thủ tục, pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư, ngân sách nhà nước, đầu thầu. Trong đó, các Bộ, ngành và địa phương cần lưu ý một số nội dung sau:

       Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của người đứng đầu; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chính trị quan trọng để thường xuyên đôn đốc việc thực hiện. Công tác đầu tư, mua sắm trong các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần theo nguyên tắc: Có người làm, có người giám sát độc lập, thực hiện việc kiểm tra, giám sát kịp thời ngay từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương, lập dự toán đến các khâu thực hiện đầu tư, mua sắm và đến khâu quyết toán. Dự toán phải được tính đúng, tính đủ, đúng quy định, định mức và đơn giá của nhà nước, phù hợp với thị trường, tham khảo giá và công bố giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ các quy trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo cạnh tranh, minh bạch; sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất.

      Chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, các điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án cần tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, đồng bộ, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan liên quan, đạt được các mục tiêu đã đề ra; tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp, chồng chéo. Hệ thống công nghệ thông tin phải bảo đảm các yêu cầu an toàn thông tin theo cấp độ, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định các nhiệm vụ, chương trình, dự án công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đó: Xác định rõ giải pháp kỹ thuật, công nghệ đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với quy mô, tính chất, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn là các sản phẩm, dịch vụ tốt ở thời điểm lựa chọn (Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã có đánh giá và công bố các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các Bộ, ngành, địa phương tham khảo sử dụng khi đầu tư mua sắm và các thông tin này sẽ được cập nhật trong thời gian tới).

      Thường xuyên cập nhật, giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, tỉnh các mô hình, cách làm hay, hiệu quả; các thiết kế điển hình, thông dụng để các Bộ, ngành và địa phương quan tâm trao đổi, học hỏi, tham khảo áp dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường giới thiệu, cập nhật các nội dung nói trên trên Cổng thông tin điện tử: https://t63.mic.gov.vn/. Xác định rõ hiệu quả đầu tư, hiệu quả đầu tư cần đo lường, định lượng được: Tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phân tích chi phí - lợi ích, xác định được khả năng tiết kiệm được nhờ đầu tư trước khi quyết định đầu tư. Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả việc đầu tư/thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm cơ sở để triển khác cho các năm tiếp theo. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố khung tiêu chí làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương tham khảo.

      Tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin tại các Bộ, ngành và địa phương vào việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các mô hình như: thành lập các tổ, ban giám sát thực hiện đầu tư…; Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm, cản trở việc quản lý, thực hiện, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trong năm 2022 và các năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tập huấn công tác quản lý đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; tập huấn công tác định mức, đơn giá trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin…Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước. Coi tiêu chí tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là tiêu chí xếp hạng về ICT Index và cải cách hành chính trong lĩnh vực chuyển đổi số. 

Tại đây

Việt Nga