Chủ nhật,16/06/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 11,807
Tổng số trong ngày: 1,881
Tổng số trong tuần: 1,880
Tổng số trong tháng: 239,608
Tổng số trong năm: 2,287,090
Tổng số truy cập: 39,767,720

Sở Y tế Bắc Giang triển khai công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, Sở Y tế Bắc Giang triển khai Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024. Qua đó góp phần đảm bảo sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm, HIV/AIDS; lồng ghép công tác phòng chống mại dâm, HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; tích cực can thiệp làm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trong ngành y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. 100% các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Phấn đấu đạt 30% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 25% người lao động trong các khu công nghiệp; 80% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS. Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS.

Để công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được triển khai có hiệu quả, ngành Y tế tập trung mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV; tăng tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành đổi mới công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền trên báo chí, chú trọng tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng độc giả lớn; trên các hình thức thông tin cơ sở (đài truyền thanh, bảng tin công cộng, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở...); tuyên truyền cổ động (pano, áp phích...); xây dựng các sản phẩm truyền thông (video clip, phim...); Tăng cường tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội, các ứng dụng có khả năng tiếp cận và được nhóm đối tượng đích thường sử dụng. Cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và thông điệp tích cực về bệnh HIV/AIDS trên Cổng/Trang thông tin điện tử của ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS nhân sự kiện, đặc biệt trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức cung cấp thông tin tình hình dịch HIV/AIDS và các văn bản chỉ đạo, định hướng về phòng chống HIV/AIDS cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và địa phương; Mở rộng mô hình các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS và các mô hình dựa vào cộng đồng khác.

Ngành Y tế tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS. Phối hợp với Liên đoàn lao động các cấp tổ chức truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, người lao động; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp truyền thông trực tiếp trong học sinh, sinh viên tại các Nhà trường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và kỷ niệm ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Bác sỹ Trần Xuân Thanh, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS

Cùng với đó, ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc; triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế. Khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Xây dựng tài liệu truyền thông về HIV/AIDS với nội dung và thông điệp phù hợp với nhóm đối tượng, truyền tải các thông điệp mới có tính tích cực để giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với HIV/AIDS và sự tự kỳ thị của người nhiễm HIV.

Mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV. Đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của đối tượng sử dụng; tập trung ưu tiên triển khai cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí ở các vùng trọng điểm và có điều kiện kinh tế khó khăn. Tăng cường kết nối, phối hợp và quản lý các tổ chức, các dự án triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Tăng cường năng lực cho cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS, đồng đẳng viên, cộng tác viên, tình nguyện viên tại các tuyến thông qua tập huấn, đào tạo và đào tạo lại về các can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV với các thông điệp truyền thông và chiến lược can thiệp mới; các kỹ năng tiếp cận, truyền thông, giới thiệu chuyển gửi khách hàng tiếp cận dịch vụ y tế.

 Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp lớn và cả hệ thống công lập và tư nhân. Rà soát, xác định đối tượng ưu tiên cung cấp dịch vụ PrEP, mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế; xây dựng kế hoạch và triển khai đa dạng mô hình, sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ PrEP như cung cấp dịch vụ lưu động, dịch vụ PrEP từ xa (Tele PrEP). Thực hiện kết nối, chuyển gửi và tư vấn các trường hợp xét nghiệm HIV âm tính có nguy cơ cao được tiếp cận với dịch vụ PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV. Tiếp tục triển khai đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm HIV, chú trọng các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi ở các trường học và các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đông nam giới. Tăng cường quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV, triển khai các hoạt động tự xét nghiệm HIV, phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm qua trang điện tử tuxetnghiem.vn. Mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng: Triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế xã, phường, thị trấn thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các dự án, tổ chức cộng đồng đang triển khai hoạt động này tại địa bàn để tăng cường phát hiện người nhiễm HIV mới. Tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế: Đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện; triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại 209/209 xã, phường, thị trấn, mở rộng hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh;

Triển khai thu thập, tổng hợp số liệu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS toàn tỉnh định kỳ; nâng cao chất lượng và sử dụng số liệu cho xây dựng chính sách, lập kế hoạch và đánh giá hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Sử dụng hệ thống quản lý thông tin người nhiễm HIV INFO 4.0; tăng cường chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong phòng, chống HIV/AIDS; thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị và tử vong (nếu xảy ra) đối với từng người nhiễm HIV. Thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV, trong suốt quá trình tham gia điều trị, đến khi người nhiễm HIV tử vong. Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi theo quy định tại các Thông tư mới. Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây.

Tiếp tục duy trì hiệu quả điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định; duy trì hoạt động điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV trong trại giam Ngọc Lý. Các cơ sở điều trị ARV trên địa bàn tỉnh thực hiện khám, chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác tư vấn để người nhiễm HIV chủ động tham gia bảo hiểm y tế; đảm bảo 100% người nhiễm đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế và được sử dụng tại đơn vị. Kết nối, chuyển gửi điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS bao gồm: Lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thường xuyên cập nhật hướng dẫn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS theo các khuyến cáo của Bộ Y tế; bảo đảm điều trị an toàn, hiệu quả; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS phù hợp với tình trạng của người bệnh; tăng cường quản lý, theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS. Xét nghiệm CD4, tải lượng HIV qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, các cơ sở điều trị duy trì tỷ lệ dưới ngưỡng ức chế từ 95% trở lên; Tăng cường hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS về các hoạt động chuyên môn điều trị HIV/AIDS; dự trù báo cáo thuốc ARV và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế; thực hiện hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV theo đúng quy định. Đẩy mạnh hoạt động kết nối chuyển gửi bệnh nhân HIV nghi mắc lao và ngược lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị đồng thời cả ARV và điều trị Lao; Các cơ sở điều trị ARV triển khai điều trị lao tiềm ẩn bằng Isoniazid và 3HP (Isoniazid và Rifapentine). Điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ theo hướng dẫn tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Tiếp nhận và điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo đúng quy định.

Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị PrEP tại cơ sở điều trị, kết nối khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị PrEP. Mở rộng độ bao phủ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tới các khách hàng có nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm: Người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người sử dụng ma túy; người bán dâm; vợ/chồng của người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính và người sử dụng ma túy; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV. Đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ điều trị PrEP bằng hình thức lưu động đến các khu vực có nhiều người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từng bước xem xét triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP: Tele PrEP, PrEP lưu động, mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP toàn diện. Tăng cường chuyển gửi, kết nối điều trị giữa điều trị PrEP với chẩn đoán, điều trị các bệnh phối hợp như viêm gan B,C, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Việt Nga