Thứ 5,20/06/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 10,209
Tổng số trong ngày: 9,881
Tổng số trong tuần: 59,119
Tổng số trong tháng: 296,847
Tổng số trong năm: 2,344,329
Tổng số truy cập: 39,824,959

Phẫu thuật u tuyến mang tai - Kỹ thuật khó được thực hiện thành công tại TTYT thị xã Việt Yên

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

U tuyến mang tai hay còn gọi là u tuyến nước bọt mang tai, là một dạng của u tuyến nước bọt. Tuyến mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất trong cơ thể nằm ở vùng ngoài của mặt, gần góc hàm mỗi bên. Ngoài ra còn có tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ rải rác trong khoang miệng.

U tuyến mang tai không hiếm gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em và người từ 60 tuổi trở lên. U tuyến mang tai có 02 loại là U lành tính và u ác tính, tuy nhiên u tuyến mang tai hiếm khi ác tính, nguy cơ ác tính chỉ chiếm 20%.

Triệu chứng phổ biến của u tuyến mang tai gồm khối sưng vùng góc hàm, dấu hiệu liệt mặt, khó nhai nhưng đôi khi u tuyến mang tai cũng có thể không bộc lộ triệu chứng, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp Xquang  hoặc siêu âm vùng đầu, mặt, cổ.

Hình ảnh siêu âm

Bệnh nhân PVH (36 tuổi, trú tại Pháp Cổ, Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện sau vùng tai trái có u đã lâu ngày nhưng do chưa thấy triệu chứng nên chưa đi khám. Gần đây, khi thấy u to dần lên theo thời gian và đau khi vận động nhiều hoặc chạm vào khối u, bệnh nhân đã tới Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên để thăm khám.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện sau vùng tai trái của bệnh nhân PVH có khối u, kích thước 3x3cm, ranh giới rõ, mật độ chắc, di động được và chẩn đoán bệnh nhân bị U tuyến mang tai trái. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt u. Khối u sau khi bóc tách được làm giải phẫu bệnh để khẳng định là u lành hay ác tính.

Theo BSCKI Đoàn Văn Trung - Trưởng Khoa Ngoại, TTYT Việt Yên: "Phẫu thuật u tuyến mang tai là một phẫu thuật khó do đặc điểm giải phẫu vô cùng phức tạp của các cấu trúc thần kinh và mạch máu liên quan tuyến mang tai. Cấu trúc thần kinh mặt đâm xuyên qua tuyến mang tai, chia các nhánh nhỏ hơn bên trong để chi phối vận động cho nhiều cơ vùng mặt. Việc bóc tách u ở tuyến mang tai vì thế mà vừa phải loại bỏ khối u vừa phải bảo tồn các dây thần kinh mặt, thậm chí cả mạch máu lớn. Điều này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề giỏi, giàu kinh nghiệm, nắm vững kiến thức giải phẫu, có kinh nghiệm đánh giá về tình trạng u trong lúc mổ và thao tác bóc tách cẩn thận, khéo léo. Đồng thời, trang thiết bị hiện đại cũng cần thiết để tránh các biến chứng chấn thương dây thần kinh mặt dẫn đến lệch mặt, liệt mặt, tụ máu, rò lỗ nước bọt và hội chứng đổ mồ hôi trộm".

Hình ảnh u tuyến mang tai của bệnh nhân

Người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cắt u tuyến mang tai cho bệnh nhân PVH là Ths.BSCKII Trần Minh Phương - Giám đốc TTYT thị xã Việt Yên cùng ê kíp, khối u tuyến mang tai kích thước 3x3cm đã được các bác sĩ bóc tách khéo léo lấy trọn ra ngoài, bảo tồn dây thần kinh mặt cho bệnh nhân.

Sau ca phẫu thuật, Ths.BSCKII Trần Minh Phương cho biết: "Bệnh nhân PVH có khối u nằm ở thùy nông, ekip phẫu thuật sử dụng phương pháp cắt thùy nông tuyến mang tai bảo tồn dây thần kinh mặt với sự hỗ trợ của dao điện giúp cho bệnh nhân được cầm máu tốt, rút ngắn thời gian nằm viện sau phẫu thuật".

Đồng thời, bác sĩ cũng chia sẻ hiện nay vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân hình thành u tuyến mang tai, tuy nhiên có những yếu tố có nguy cơ cao như thay đổi gene, tiếp xúc với tia xạ hoặc hút thuốc lá. Mặc dù trường hợp ác tính hiếm khi xảy ra nhưng các u lành tính đa dạng có nguy cơ chèn ép gây liệt mặt hoặc khối u biến đổi thành ác tính sau nhiều năm xuất hiện. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, nên hình thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ và duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.

Đỗ Thảo - Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên