Chủ nhật,16/06/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 7,869
Tổng số trong ngày: 3,603
Tổng số trong tuần: 3,602
Tổng số trong tháng: 241,330
Tổng số trong năm: 2,288,812
Tổng số truy cập: 39,769,442

Một số kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trong những năm gần đây, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến khá phức tạp. Theo báo cáo của Công an tỉnh, tính đến đầu năm 2024, số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 2.660 người, trong đó cộng đồng có trên 2.240 người, còn lại trong cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và nhà tạm giữ, trại tạm giam. Tỷ lệ số người sử dụng Heroin chiếm 76%, sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 15%, còn lại nghiện nhiều loại ma túy chiếm trên 11%. Tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, hoạt động tinh vi dưới nhiều hình thức, chủ yếu núp bóng là nhân viên phục vụ trong các dịch vụ karaoke, nhà hàng, quán giải khát, massage…, phần lớn số gái mại dâm được chủ các nhà hàng quản lý chặt ít xuất hiện ra ngoài và đặc biệt là ban ngày.

Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024

Tính đến tháng 11/2023 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 3.677 người, trong đó số người đang còn sống là 2.352 người; số ca tử vong do AIDS là 1.325 người; dịch HIV có mặt tại 100% huyện, thành phố, tập trung chủ yếu ở thành phố Bắc Giang (765 người còn sống); tỷ lệ lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu (45,8%) lây nhiễm qua đường tình dục (39,7%); tỷ lệ người nhiễm HIV tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 25 - 49 tuổi (75%); số trẻ em nhiễm HIV là 24 trẻ. Tính đến ngày 29/11/2023, phát hiện 76 ca HIV mới. Số bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV là 1.393BN (trong đó có 25 bệnh nhân trẻ em dưới 15 tuổi) tại 05 cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, để tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Bộ luật Hình sự năm 2015; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chương trình PCMT giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ; Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp phòng, chống ma túy giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, lấy hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại nhân viên y tế.

Công tác tuyên truyền được chú trọng, triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Phổ biến các văn bản hướng dẫn về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; tuyên truyền về kết quả nổi bật công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của lực lượng chức năng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, mại dâm; cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của quần chúng nhân dân… Các cơ quan, đơn vị ngành Y tế chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang đưa các tin, bài, hình ảnh về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; làm pano tuyên truyền, cấp phát tờ rơi về tác hại của ma túy, mại dâm. Tuyên truyền, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư” đã làm giảm được tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.

Chương trình Methadone được triển khai tại Bắc Giang từ tháng 9/2013, tính đến nay được 10 năm. Tính tới thời điểm hiện tại toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở điều trị (11 cơ sở thuộc ngành Y tế đang hoạt động, 01 cơ sở thuộc ngành Lao động - TB&XH hiện tại đang tạm dừng); 04 cơ sở cấp phát thuốc, hiện tại còn 01 cơ sở cấp phát thuốc hoạt động tại xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa. Tổng số người nghiện ma túy tại cộng đồng đang tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tại thời điểm ngày 30/11/2023 là 1.304 người, đạt 72,4% so với số người nghiện heroin còn sống được quản lý tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (1.802 người).

Các hoạt động phòng, ngừa mại dâm, can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm tái hoà nhập cộng đồng được chú trọng. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên thực hiện kiểm tra giám sát trên địa bàn huyện, thành phố, chỉ đạo kịp thời cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng cho nhóm đồng đẳng viên tham ra hoạt động can thiệp giảm tác hại trong phòng chống HIV/AIDS và đảm bảo có tính pháp lý khi nhóm ĐĐV tiếp cận từng nhà nghỉ, quán karaoke, massage… để tuyên truyền cấp bao cao su cho đối tượng là gái mại dâm, luôn yêu cầu các chủ nhà hàng trên phải thực hiện nghiêm về phòng, chống HIV/AIDS không để lây nhiễm HIV ra cộng đồng dân cư. Tính đến hiện tại toàn tỉnh đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 54.759 lượt người, với 56 lượt trường hợp HIV dương tính, với tỷ lệ dương tính là 0.1%. Trong số người được xét nghiệm HIV, số người nghiện chích ma túy xét nghiệm là 2.809 lượt người, với số lượt dương tính là 03 trường hợp, tỷ lệ dương tính là 0.1%; xét nghiệm HIV cho 18.491 lượt phụ nữ mang thai. Năm 2023, số PNMT nhiễm HIV được điều trị ARV trước khi mang thai: 07 người; có 07 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đều được dự phòng ARV. Can thiệp trên nhóm MSM, với 10 tuyên truyền viên đồng đẳng MSM hoạt động tại TP Bắc Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên đã tiếp cận được 680 lượt đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng dân cư; cung cấp trên 62.000 bao cao su và 48.000 chất bôi trơn; số nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) xét nghiệm là 546 với số lượt dương tính là 08 trường hợp, tỷ lệ dương tính là 1,4% và hiện nay trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là nhóm có nguy cơ cao nhất sự lây nhiễm HIV ra cộng đồng dân cư; 100% khách hàng dương tính được chuyển tiếp đi điều trị ARV. Nhóm MSM cũng đã giới thiệu được trên 85 khách hàng điều trị PrEP. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP triển khai từ tháng 10/2020 tại Phòng khám ngoại trú,Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức thu dung điều trị cho trên 357 khách hàng sử dụng PrEP.

Năm 2024, ngành Y tế tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. Đảm bảo sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm, HIV/AIDS; lồng ghép công tác phòng chống mại dâm, HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; tích cực can thiệp làm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Trong năm nay, ngành Y tế tập trung mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV; tăng tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Các chỉ tiêu phấn đấu đến 31/12/2024, toàn tình có 2.050 người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 130 phụ nữ mại dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 820 nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được tiếp cận với chương trình bao cao su và chất bôi trơn;1.450 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone; 300 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần; 78.795 lượt người được xét nghiệm HIV trong năm; 1.450 người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); 1.230 bệnh nhân đang điều trị ARV được làm và có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ trong năm; 1.169 bệnh nhân điều trị ARV có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ dưới ngưỡng ức chế (< 1.000 Cp/ml); 90% bệnh nhân đang điều trị ARV hoàn thành điều trị Lao tiềm ẩn; 100% bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời ARV và Lao; 1.320 bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT; 140 bệnh nhân HIV và Methadone mắc viêm gan C được điều trị viêm gan C; Thực hiện 01 cuộc điều tra giám sát trọng điểm kết hợp lồng ghép hành vi trên nhóm NCMT, PNBD, MSM theo quy định; Tổ chức các hoạt động tập huấn và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà trọ, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Việt Nga