Thứ 6,17/05/2024,

アクセス中: 10,437
1日当たりのページのアクセス回数: 8,469
1週間当たりののページのアクセス回数: 72,521
1か月当たりのページのアクセス回数: 245,243
1年間当たりのページのアクセス回数: 1,760,623
ページのアクセス回数 : 39,241,253

Cuộc đại phẫu “cân não” cùng rất nhiều khó khăn để cứu tính mạng bệnh nhân từ tay “tử thần”

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

07 GIỜ SINH TỬ CỨU SỐNG BỆNH NHÂN TỪ TAY “TỬ THẦN”

07 giờ “cân não” trong Phòng phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân băng huyết quá nặng vì tự ý phá thai 22 tuần bằng thuốc, 5.550 ml khối hồng cầu và 2.200 ml huyết tương được truyền cấp tốc để cấp cứu bệnh nhân khi tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”, 14 giờ thở máy liên tục trong thời gian hậu phẫu, 15 ngày được điều trị tích cực… Đứng trước lằn ranh sinh - tử mong manh, có những lúc tưởng chừng không còn hy vọng cứu sống bệnh nhân Đ.N.A (32 tuổi, trú tại xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bởi đã có dấu hiệu truỵ mạch, ngừng tim, đồng tử 02 bên mắt giãn; nhưng bằng sự tận tâm, bằng trách nhiệm của người lương y, Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện và các y bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã nỗ lực hết mình với tâm lực, trí lực giành giật từng phút giây cứu sống bệnh nhân từ tay “tử thần” và điều kỳ diệu đã xảy ra.

Kíp phẫu thuật gồm Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện; Bác sỹ CKII Hán Mạnh Cường và Bác sỹ CKI Ngô Thuý Hà chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân từ tay “tử thần”

Bệnh nhân Đ.N.A vui mừng tặng hoa cảm ơn Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện và các y bác sỹ Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức sau khi hồi phục sức khoẻ ổn định

Đến giờ phút này, chị Đ.N.A vẫn không tin nổi mình đã vượt qua giây phút sinh tử một cách kỳ diệu như thế. “Những tháng gần đây thỉnh thoảng tôi vẫn bị ra máu, tôi nghĩ đó là kinh nguyệt bình thường, hơn nữa lại không có biểu hiện ốm nghén hay các dấu hiệu mang thai như 03 lần trước nên tôi không biết mình đã có bầu được 22 tuần. Người nhà thấy tôi tăng cân nhiều nên bảo tôi thử thai xem phải có bầu hay không. Tôi thử thai mới biết là có bầu. Vì 03 lần mang thai trước tôi đều sinh mổ, bé út mới được hơn 02 tuổi nên cũng không có ý định sinh thêm bé nữa. Tôi nghĩ chắc là mình cũng mới có bầu thôi, thai nhỏ có thể tự xử lý được nên đã mua thuốc phá thai về uống. Tôi không ngờ chính sự chủ quan của mình suýt chút nữa đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình” - chị Đ.N.A tâm sự.

Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện và Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi  thăm hỏi tình hình sức khoẻ bệnh nhân A sau 05 ngày phẫu thuật

15h30ph ngày 08/3/2022, chị A được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng từng cơn và ra huyết âm đạo. Qua thăm khám và siêu âm, các bác sỹ xác định bệnh nhân có thai 22 tuần doạ sảy, cơn co tử cung mau và mạnh, có huyết cục chảy ra theo đường âm đạo. Bệnh nhân được chỉ định dùng các thuốc giảm co tích cực nhưng không thành công. Tới khoảng 22h30ph ngày 08/3, thai 22 tuần tuổi đã sẩy ra ngoài âm đạo, sau khi thai xổ, huyết ra ồ ạt, kíp trực lấy rau để cầm máu đồng thời hồi sức  tích cực bằng truyền dịch, truyền máu và thuốc co hồi tử cung. Trong khi lấy rau thì có một phần tổ chức rau thai bám chắc không bong lấy rất khó khăn. Sau khi lấy hết rau thấy huyết vẫn ra nhiều, bệnh nhân được siêu âm ngay tại bàn đẻ, qua hình ảnh siêu âm nhận thấy có nhiều dịch tự do trong ổ bụng. Lúc này, bệnh nhân A rơi vào tình trạng sốc, huyết áp tụt còn 60/40 mmHg. Kíp trực đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán bệnh nhân A bị sốc mất máu nặng do vỡ sẹo mổ tử cung (tiền sử 03 lần mổ lấy thai), sẩy thai băng huyết và rau cài răng lược, ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu, đồng thời báo động đỏ toàn viện để cứu bệnh nhân nguy kịch.

22h45ph, bệnh nhân A được đưa vào Phòng Cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, huyết áp động mạch xâm lấn chỉ đạt 60/40 mmHg, mạch nhanh 130 lần/phút, huyết âm đạo không ngừng chảy ra. Kíp phẫu thuật gồm phẫu thuật viên Bác sỹ CKII Hán Mạnh Cường và Bác sỹ CKI Ngô Thuý Hà, Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi phụ trách gây mê hồi sức. Sau khi mở bụng, thấy trong ổ bụng bệnh nhân có khoảng 500 ml máu, vị trí eo tử cung sẹo mổ cũ có 02 lỗ thủng rách thông với ổ bụng, toàn bộ sẹo mổ cũ mỏng như 01 lớp màng, các bác sỹ tiến hành cắt tử cung để cầm máu. Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng truỵ tim mạch rồi ngừng tim. Trong khi kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức đang nỗ lực từng phút giây để cứu sống tính mạng bệnh nhân thì điều khó khăn nhất lúc này là bệnh nhân bị băng huyết rất nặng cần lượng lớn nhóm máu O để truyền, tuy nhiên kho máu dự trữ của Bệnh viện tại thời điểm cấp cứu bệnh nhân chỉ còn 05 đơn vị máu nhóm O và đã truyền cho bệnh nhân A hết cả 05 đơn vị  (1.750 ml máu), mà trong khi ấy xe cấp cứu đi lấy máu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chưa về kịp. Nhận được thông tin bệnh nhân A đang lâm vào nguy kịch cần bổ sung máu truyền cấp tốc, 03 nhân viên y tế có mặt trong buổi trực gồm nữ hộ sinh Lê Thị Thanh Huyền (Khoa Đẻ), Nguyễn Thị Bích Huệ (Khoa Đẻ) và điều dưỡng Ngô Quang Huy (Khoa Phụ) đã tình nguyện hiến 04 đơn vị máu cứu tính mạng bệnh nhân đang “ngàn cân treo sợi tóc”. 

 

Sau 02 tiếng phẫu thuật, kiểm tra thấy âm đạo có nhiều huyết đỏ tươi từ trong cổ tử cung chảy ra, dù đã khâu ép mặt trước và mặt sau cổ tử cung nhưng huyết vẫn tiếp tục chảy, để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, kíp phẫu thuật đã mời Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện vào trực tiếp phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân. 

Giám đốc Bệnh viện Lê Công Tước nhận định đây là một ca bệnh cực kỳ phức tạp, việc cắt nốt mỏm cắt tử cung để cầm máu cho bệnh nhân không phải điều đơn giản bởi bệnh nhân A từng có tiền sử phẫu thuật lấy thai 03 lần, tử cung đã dính chặt vào các tạng (nhất là bàng quang và niệu quản) nên việc gỡ dính để cắt nốt mỏm cắt tử cung để cầm máu mà không làm tổn thương các tạng xung quanh là việc vô cùng khó khăn. Hơn nữa, bệnh nhân Ánh đã bị băng huyết rất nặng dẫn tới rối loạn đông máu nặng khiến diện phẫu thuật bóc tách và gỡ dính từ thành bụng cho đến các mỏm cắt trước đây đã cầm máu nay chảy máu trở lại và rất khó cầm. Vậy nên dù chỉ 01 mao mạch nhỏ li ti chảy máu cũng sẽ gây chảy máu đe doạ tính mạng nên việc phẫu thuật cầm máu phải cực kỳ tỉ mỉ, cẩn thận thì mới thành công. Song song với quá trình phẫu thuật là hồi sức tích cực, bệnh nhân tiếp tục được sử dụng thuốc vận mạch để chống truỵ tim mạch, truyền 06 đơn vị khối hồng cầu và 05 đơn vị huyết tương. Kết quả sau hơn 07 tiếng căng thẳng trong Phòng Phẫu thuật, (tới 05h30ph ngày 09/3/2022), kíp mổ gồm Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện; Bác sỹ CKII Hán Mạnh Cường; Bác sỹ CKI Ngô Thuý Hà và Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi phụ trách gây mê hồi sức tích cực đã thành công giúp bệnh nhân A thoát khỏi cơn nguy kịch, cầm máu an toàn. Tổng lượng máu được truyền cho bệnh nhân là 4.850 ml khối hồng cầu và 2.200 ml huyết tương.

Bệnh nhân A được theo dõi sát sao trong Phòng Hồi sức hậu phẫu

Sau mổ, bệnh nhân A tiếp tục được theo dõi sát sao trong Phòng Hồi sức hậu phẫu, do tình trạng bệnh nhân nặng nên vẫn phải duy trì thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản 14 tiếng rồi chuyển qua thở Oxy. Tới ngày 14/3/2022 (tức 05 ngày sau cuộc phẫu thuật), bệnh nhân A được truyền thêm 700ml khối hồng cầu. Và sau 15 ngày được điều trị tích cực tại Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức và Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện, tới ngày 25/3/2022, bệnh nhân A khoẻ mạnh xuất viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình cũng như đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi - Bác sỹ phụ trách gây mê hồi sức tích cực cho bệnh nhân A chia sẻ: “Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân A là niềm vui lớn đối với ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức nói riêng và với tập thể y bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang nói chung. Để bệnh nhân hồi phục sức khoẻ được như hiện tại là cả một quá trình dài bởi đây là ca bệnh cực kỳ phức tạp với nguy cơ tử vong cao. Đã có những lúc tưởng chừng không còn hy vọng cứu sống bệnh nhân khi có dấu hiệu ngừng tim, truỵ mạch trong khi bệnh nhân bị băng huyết rất nặng. Trong quá trình phẫu thuật, song song với việc truyền máu cấp tốc cho bệnh nhân, duy trì thuốc vận mạch, an thần, bù đủ khối lượng tuần hoàn thì quan trọng nhất là phải bảo vệ não và các tạng (phổi, thận…) để không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, để bệnh nhân hồi phục tốt thì quá trình hồi sức tích cực sau mổ cũng giữ vai trò rất quan trọng để đảm bảo bệnh nhân không bị bất kỳ tổn hại nào về sức khoẻ. Tại Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, bệnh nhân A được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn cũng như xét nghiệm máu, nước tiểu và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc toàn diện để nâng cao thể trạng. Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân nặng rất vất vả nhưng thấy sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt lên từng ngày, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện rất vui mừng và coi đó là động lực để tiếp tục sự nghiệp cứu chữa người bệnh”. 

Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện thăm khám cho bệnh nhân A trong quá trình điều trị tại Bệnh viện

Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi theo dõi sát sức khoẻ của bệnh nhân A tại Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức

Bệnh nhân hồi phục là điều tuyệt vời nhất với chúng tôi”

Đó là lời tâm sự đầy giản dị và chân thành của nữ hộ sinh Lê Thị Thanh Huyền - người đã tự nguyện hiến 02 đơn vị máu cứu sống bệnh nhân Đ.N.A trong lúc nguy cấp. Chị Huyền xúc động nói: “Là nhân viên y tế, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của những giọt máu cứu người. Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân không còn cơ hội sống chỉ vì thiếu máu. Đây cũng không phải lần đầu tiên tôi hiến máu cho những bệnh nhân nguy kịch. Đối với tôi, hiến máu cứu người không chỉ thể hiện tình yêu thương của nhân viên y tế với bệnh nhân mà còn là trách nhiệm của những người thầy thuốc bởi những giọt máu cho đi đã đem lại niềm tin, hy vọng sống cho bệnh nhân cũng như gia đình của họ. Không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng mỗi một nhân viên y tế khi đối diện với tình trạng bệnh nhân nguy cấp như vậy đều sẵn sàng hiến máu cứu người bởi một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”.

Nữ hộ sinh Lê Thị Thanh Huyền sẵn sàng hiến 02 đơn vị máu cứu bệnh nhân A trong lúc nguy cấp

Bệnh nhân A vui mừng tặng hoa cảm ơn Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện đã phẫu thuật giúp chị thoát khỏi “bàn tay tử thần” 

Bệnh nhân A cảm ơn Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi đã rất tận tâm, trách nhiệm điều trị để chị hồi phục sức khoẻ ổn định 

Hiện nay, khi có ý định phá thai, thay vì đến các bệnh viện hay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp thì nhiều chị em phụ nữ tự ý mua thuốc phá thai về uống tại nhà hoặc áp dụng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian với mong muốn sổ thai ra ngoài. Tuy nhiên, việc làm này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng của người mẹ nếu có biến chứng xảy ra.

Theo Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, thông thường phá thai bằng thuốc được chỉ định khi thai dưới 07 tuần tuổi, siêu âm thai phải làm tổ trong buồng tử cung và người mẹ không mắc các bệnh lý như tim mạch hay các bệnh về máu khác… Thuốc sẽ không có hiệu quả đối với trường hợp thai nhi ngoài tử cung. Phương pháp phá thai bằng thuốc (phá thai nội khoa) được đánh giá an toàn, hiệu quả nhưng với điều kiện tiên quyết là phải được thực hiện dưới sự chỉ định và theo dõi sát sao của bác sỹ sản khoa tại các cơ sở y tế. Thai phụ không được tự ý mua thuốc về phá thai tại nhà vì rất dễ xảy ra tai biến băng huyết, nhiễm trùng đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân. Sau khi phá thai cũng cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể nhanh hồi phục, đồng thời nên đi tái khám theo hướng dẫn của bác sỹ để tránh gặp phải những biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này. 

Hiền Chúc - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang