Thứ 6,10/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 9,278
Tổng số trong ngày: 9,331
Tổng số trong tuần: 82,903
Tổng số trong tháng: 143,685
Tổng số trong năm: 1,659,065
Tổng số truy cập: 39,139,695

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần (từ ngày 15/01 - 21/01/2024)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Đẩy mạnh chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt dịp Tết Nguyên đán; Triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024; Tăng cường phòng cháy, chữa cháy;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 15/01 - 21/01/2024.
Xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo người DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã đặc biệt khó khăn ĐBKK, thôn ĐBKK. 

Quy định quản lý, sử dụng diện tích mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản

Ngày 16/01/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích ký Quyết định số 2/2024/QĐ-UBND Ban hành quy định quản lý, sử dụng diện tích mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, nguyên tắc quản lý, sử dụng diện tích mặt nước hồ phải bảo đảm giữ nguyên trạng diện tích mặt nước hồ chứa, không làm thay đổi hoặc ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ chính của hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thiết kế khi xây dựng, bảo đảm an toàn cho hồ chứa. Bảo đảm quyền, lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hồ chứa. Quản lý, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm tra phương án sử dụng diện tích mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản và tham mưu UBND tỉnh chấp thuận phương án sử dụng diện tích mặt nước hồ chứa đối với hồ chứa có dung tích từ 500.000 m3 trở lên do các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) quản lý.

Các Công ty TNHH MTV KTCTTL và UBND các huyện, thành phố được giao quản lý hồ chứa, thông báo rộng rãi việc cho thuê sử dụng diện tích mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bắc Giang. Trường hợp có từ 02 phương án trở lên phù hợp với các quy định hiện hành thì Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chấp thuận các phương án phù hợp của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đối với hồ chứa do các Công ty TNHH MTV KTCTTL quản lý, UBND các huyện, thành phố chấp thuận các phương án phù hợp của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đối với hồ chứa do UBND các huyện, thành phố quản lý. Các Công ty TNHH MTV KTCTTL và UBND các huyện, thành phố tổ chức đấu giá lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê sử dụng diện tích mặt nước hồ chứa theo quy định.

Đẩy mạnh chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt dịp Tết Nguyên đán

Ngày 17/01/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn ký Công văn số 314/UBND-KGVX về việc đẩy mạnh chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Công văn nêu rõ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), chủ trì bám sát mục tiêu, yêu cầu, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về công tác an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn, đặc biệt tập trung thực hiện việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt cho các trường hợp đã có tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chịu trách nhiệm và triển khai thực hiện đảm bảo một số nội dung: Chi trả không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng đã có tài khoản và mong muốn nhận chi trả qua tài khoản trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoàn thành xong trước ngày 23/01/2024; rà soát bổ sung, cấp tài khoản mới cho 100% đối tượng thuộc diện nhận trợ cấp ASXH trong quý I/2024. Phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.

Công an tỉnh tập trung huy động tối đa lực lượng phối hợp với công chức LĐTB-XH và các lực lượng liên quan rà soát, làm sạch dữ liệu công dân thuộc diện hưởng chính sách ASXH để phục vụ cho việc mở tài khoản và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu. Thường xuyên trao đổi, phối hợp với Sở LĐTB-XH hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong triển khai chi trả ASXH không dùng tiền mặt trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Giang chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nghiên cứu các nội dung tại Công văn số 60/NHNN-TT ngày 04/01/2024 của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy chi trả ASXH không dùng tiền mặt, phối hợp với Sở LĐTB-XH có phương án hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bưu điện tỉnh Bắc Giang bố trí, huy động tối đa lực lượng tham gia hỗ trợ người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH thực hiện mở tài khoản và chi trả theo quy định.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND cấp xã, các Tổ Công nghệ số cộng đồng huy động tối đa lực lượng phối hợp với lực lượng Công an tại cơ sở làm sạch dữ liệu ASXH, phối hợp với cán bộ LĐTB-XH, các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tập trung thực hiện chi trả ASXH, mở tài khoản cho người dân cả trong và ngoài giờ hành chính; đảm bảo hoàn thành xong trước ngày 23/01/2024.

Công nhận 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu năm 2023

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành các Quyết định công nhận xã Ngọc Lý, Liên Sơn, Ngọc Vân (huyện Tân Yên), Minh Đức (huyện Việt Yên), xã Trí Yên (huyện Yên Dũng) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; xã Việt Lập (huyện Tân Yên) đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về Văn hóa; xã Tự Lạn (huyện Việt Yên) đạt chuẩn xã nông thôn mới Kiểu mẫu về An ninh trật tự năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng và UBND các xã được công nhận có trách nhiệm tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; hướng tới xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong thời gian tới. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng kết quả đã đạt được.

Triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

Ngày 18/01/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 5/KH-UBND triển khai thực hiện công tác Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện công tác PCTNTC bám sát chỉ đạo của Trung ương, với phương châm phòng ngừa là chính, tích cực phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, các hành vi tham nhũng vặt trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC nhằm phát hiện, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phòng, chống tham nhũng của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải được triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, bối cảnh, trong đó phải xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngày 19/01/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích ký Chỉ thị số 1/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã có rừng tự nhiên tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; nắm bắt, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất rừng ở địa phương không được để kéo dài. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng; địa phương nào để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các địa bàn, khu vực trọng điểm nhạy cảm có nguy cơ xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để tập trung lực lượng thường xuyên "bám rừng", tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra rừng, nhất là khu vực rừng tự nhiên; phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý kịp thời các hành vi đốt, phá rừng để trồng rừng kinh tế, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; tham mưu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra trên diện tích rừng được giao quản lý nhưng không phát hiện, báo cáo, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Rà soát, nắm bắt các đối tượng thường xuyên phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác PCCCR, thông tin cảnh báo cháy rừng kịp thời tới các địa phương; huy động lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; tăng cường thời lượng đưa tin, tiếp tục tuyên truyền và lên án mạnh mẽ các hành vi đốt rừng, chặt phá, khai thác, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Các chủ rừng là tổ chức cịu trách nhiệm chính và trước tiên trong quản lý bảo vệ rừng và đất rừng đối với diện tích được giao, cho thuê; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng. Không để tình trạng rừng bị cháy, phá, khai thác, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 388/UBND-NC ngày 20/01/2024 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác PCCC.

Công an tỉnh phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo một số nguyên nhân, biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với hộ gia đình, hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tập trung hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và các địa điểm tổ chức các hoạt động lễ hội, nơi tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở và người làm việc tại các môi trường có nguy hiểm cháy, nổ.

UBND huyện, thành phố tăng cường khuyến cáo, cảnh báo một số nguyên nhân, biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với hộ gia đình, hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đồng thời yêu cầu chủ hộ gia đình tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời loại trừ các nguy cơ gây mất an toàn về PCCC, trong đó tập trung kiểm tra việc sử dụng nguồn điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, lối thoát nạn cho gia đình khi có cháy, nổ xảy ra.

Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; hướng dẫn kỹ năng PCCC và kỹ năng thoát nạn cho các thành viên hộ gia đình. Tổ chức cho 100% chủ hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ hộ gia đình nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ hai tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 mở lối thoát nạn thứ 2; rà soát, xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và "Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư; vận động hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy.

Củng cố, duy trì chế độ thường trực của lực lượng PCCC dân phòng, nhất là về ban đêm; đầu tư kinh phí, trang bị đầy đủ trang thiết bị PCCC cho lực lượng này bảo đảm hoạt động hiệu quả. Chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh.

Xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo người DTTS và hộ nghèo

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn ký Kế hoạch số 8/KH-UBND ngày 20/01/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Bắc Giang năm 2024.

Kế hoạch đặt mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo người DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình năm 2024, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN, giảm dần số xã, thôn ĐBKK; tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chương trình đúng các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương. Chủ động, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong thực hiện Chương trình, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả.

Các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức xây dựng kế hoạch của ngành, đơn vị mình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Các chủ đầu tư phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân ngay sau khi có khối lượng thanh toán, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024./.

BGP