Thứ 6,10/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 9,292
Tổng số trong ngày: 9,274
Tổng số trong tuần: 82,846
Tổng số trong tháng: 143,628
Tổng số trong năm: 1,659,008
Tổng số truy cập: 39,139,638

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phòng chống dịch Covid-19

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người. Người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi,người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu. Chủng SARS-CoV-2 lây truyền từ động vật sang  người và lây trực tiếp từ người sang người. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày, bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm vi rút rồi đưa lên miệng, mũi của người lành. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh; bởi vậy, ngăn ngừa sự lây lan bệnh là giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch.

Theo các số liệu thống kê nghiên cứu cho thấy: Người cao tuổi (NCT) và người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, bệnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Ở Trung quốc, tỷ lệ tử vong lên tới 90% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc bệnh đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; 6% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư. Trong khi đó, ở Mỹ cứ 10 ca tử vong do COVID-19 thì có 8 ca là NCT. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 là NCT hoặc có bệnh lý nền mạn tính chiếm khoảng 8% trên tổng số ca mắc.

Bắc Giang hiện nay có khoảng 215.000 người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính… Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với NCT, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ, của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân đã giúp Việt Nam hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi người dân nói chung, NCT và thành viên gia đình NCT, người chăm sóc NCT cần có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao nhất.

I. ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI

1.Hãy ở nhà:

NCT hạn chế tối đa ra ngoài, đặc biệt với những người mắc các bệnh lý mạn tính như: bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành,…), bệnh phổi (hen phế quản, phổi mạn tính,…), bệnh đái tháo đường nên tuyệt đối ở nhà, vì đây là nhóm đối tượng nếu không may bị mắc COVID-19 thì dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao.

Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.

2. Rửa tay thường xuyên và giữ vệ sinh cá nhân, nơi ở

Rửa tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn; Sau khi ho, hắt hơi; Sau khi tháo khẩu trang; Sau khi chăm sóc người bệnh; Sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho, hắt hơi của người khác; Trước các bữa ăn và trước khi chế biến thực phẩm; Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật; Sau khi đi vệ sinh…

3. Duy trì tập luyện thể dục phù hợp tại nhà

NCT cần  luyện tập thể dục ngay cả khi không thể ra ngoài để mang lại sức mạnh về tinh thần, giảm căng thẳng, lo lắng.

4. Đảm bảo uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng đẩy đủ, hợp lý

NCT uống từ 1,2 lít đến 1,8 lít nước một ngày, uống nước ấm, uống từng ngụm nhỏ, chia đều trong ngày cả khi không khát để giữ ẩm cho cổ họng. Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc.

NCT ăn đủ, đa dạng thực phẩm; Ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm; Nên sử dụng các thực phẩm chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, nấm, trà xanh, sữa chua,…

5. Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính

NCT có các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh tim mạch, huyết áp, … cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ; không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều thuốc.

Tự theo dõi sức khỏe của bản thân, khi có sự thay đổi nào dù nhỏ hay thoáng qua về sức khỏe phải báo ngay cho người thân để liên hệ với nhân viên y tế.

I. ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

1. Tuân thủ đúng những hướng dẫn về y tế

Người chăm sóc phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh cho bản thân như: vệ sinh tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, không tiếp xúc gần với người có nguy cơ lây bệnh, vệ sinh nơi ở thường xuyên, khai báo y tế theo quy định.

Không trực tiếp chăm sóc và tiếp xúc gần với NCT khi người đó có biểu hiện bệnh đường hô hấp như ho, sốt, tức ngực, khó thở, … hoặc đi từ vùng dịch về.

Hạn chế người đến thăm tại nhà và nên bố trí nơi sinh hoạt riêng cho NCT.

2. Tìm hiểu thông tin sức khỏe của NCT

Tìm hiểu và biết NCT trong gia đình mắc bệnh gì và đang dùng thuốc gì, liên hệ với cơ sở y tế NCT đang điều trị để được tư vấn và cấp phát thuốc theo quy định.

3. Chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong gia đình

Các thành viên trong gia đình cần hiểu rõ về lịch trình sinh hoạt hàng ngày, chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thói quen của NCT để có thể phối hợp chăm sóc NCT hợp lý nhất.

4. Đảm bảo môi trường sống trong nhà cho NCT

Đảm bảo thực phẩm, vật dụng thiết yếu cho NCT; Giữ nhiệt độ trong nhà ấm áp, thoáng khí, đủ ánh sáng; Bố trí đồ vật hợp lý để phòng tránh ngã.

Thường xuyên lau chùi các bề mặt đồ vật trong nhà, tay nắm cửa, sàn nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn.

5. Nâng cao đời sống tinh thần cho NCT

Thường xuyên nói chuyện động viên tinh thần với NCT; Khuyến khích, hướng dẫn NCT tập luyện tại nhà, hoạt động vừa sức để tạo hứng thú cho NCT; Cố gắng duy trì cuộc sống như thường ngày cho NCT nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

6. Thường xuyên tìm hiểu thông tin về tình hình dịch COVID-19 nơi NCT sinh sống

Cung cấp thông tin về dịch bệnh cho NCT nhưng tránh làm cho NCT có tâm lý hoang mang với những thông tin không chính xác.

Có số điện thoại của cơ sở y tế để được tư vấn sức khỏe khi cần.

Tóm lại:Người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc bệnh và diễn biến nặng khi có dịch COVID-19 xảy ra. Chú trọng phòng bệnh như: Ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài; thường xuyên rửa tay, vệ sinh nơi ở sạch sẽ; đeo khẩu trang khi bắt buộc phải đi ra ngoài, tránh tiếp xúc gần với người khác; bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng, nâng cao đời sống tinh thần cũng như kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính hiện có để giúp NCT đối phó với dịch COVID-19 hiệu quả.

Gia đình, người thân và cộng đồng hãy quan tâm và đồng hành để giúp NCT thích nghi với môi trường sống hiện tại, không hoang mang lo lắng, luôn cảm thấy dù phải giữ “khoảng cách” khi tiếp xúc nhưng đó là “khoảng cách” yêu thương trong bối cảnh dịch COVID-19./.

Ngọc Anh - Chi cục Dân số - KHHGĐ