Thứ 6,17/05/2024,

User Online: 7,642
Total visited in day: 4,086
Total visited in Week: 68,138
Total visited in month: 240,860
Total visited in year: 1,756,240
Total visited: 39,236,870

Các dấu hiệu nhận biết bệnh Viêm phổi do nhiễm Vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) ở trẻ em và cách phòng ngừa bệnh cho trẻ

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

 

Vi-rút hợp bào hô hấp (RSV- Respiratory Syncytial Virus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em như: viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản… Thời điểm giao mùa, vi-rút hợp bào hô hấp RSV phát triển mạnh và số trẻ phải nhập viện vì viêm phổi do nhiễm vi-rút RSV tăng cao, nhất là vào tháng 10 - 12. Viêm phổi do nhiễm vi-rút RSV thường gặp ở trẻ dưới 02 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 06 tháng tuổi.

Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lê - Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc thăm khám cho trẻ bị viêm phổi do nhiễm vi-rút RSV

Các triệu chứng viêm phổi do nhiễm vi-rút RSV thường giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như chảy mũi, khò khè, nôn, ho khan… Hầu hết trẻ hồi phục trong vòng 01 - 02 tuần. Tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng gây suy hô hấp. Theo thống kê, mỗi ngày Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 15 - 20 trẻ nhiễm trùng hô hấp nặng và 20 - 30% trong số đó bị mắc bệnh là do vi-rút RSV. 

Tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, số trẻ bị viêm phổi do nhiễm vi-rút RSV phải nhập viện điều trị đang có xu hướng gia tăng và bệnh tiến triển nặng, trẻ phải thở máy và thở oxy kéo dài, đa số gặp ở nhóm trẻ dưới 03 tháng tuổi. Theo ghi nhận, trong tháng 11/2021, đã có hơn 20 bệnh nhi nhập viện cấp cứu do nhiễm vi-rút RSV. Hiện chưa có vắc-xin phòng vi-rút RSV và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị và chăm sóc kịp thời là rất quan trọng. 

1. Nguyên nhân gây nhiễm vi-rút RSV?

Vi-rút RSV gây bệnh viêm phổi cũng giống như các vi-rút khác gây bệnh đường hô hấp, vi-rút RSV có thể gây bệnh khi:

- Người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi làm phát tán vi-rút ra ngoài môi trường.

- Vi-rút RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng, RSV dễ dàng lây lan trong không khí qua các giọt bắn mang mầm bệnh.

- Vi-rút RSV cũng có thể lây sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp ví dụ như đồ chơi hoặc đồ vật cứng có chứa vi-rút RSV, vi-rút có thể tồn tại trên các bề mặt và đồ vật cứng từ 04 - 07 giờ.

- Trẻ nhiễm vi-rút RSV có khả năng lây bệnh cao nhất trong vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh, tuy nhiên vi-rút RSV vẫn có thể lây lan trong vài tuần sau đó.

Bé Hoàng Ngọc Kim Ng. (02 tháng tuổi) bị viêm phổi nặng do nhiễm vi-rút RSV phải thở máy điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc

Bé Vũ Minh Tr. (50 ngày tuổi) bị viêm phổi suy hô hấp độ 2 do nhiễm vi-rút RSV. Trẻ phải thở oxy 05 ngày, hiện tại trẻ ổn định, cai oxy và tự thở

2. Một số triệu chứng khi trẻ nhiễm vi-rút RSV:

Trẻ bị nhiễm vi-rút RSV thường có những biểu hiện:

- Khởi phát là các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: 

+ Ho nhiều đờm vàng hoặc xanh đục

+ Chảy mũi hoặc nghẹt mũi, thở khò khè

+ Đau họng hoặc đau tai

+ Sốt 

- Giai đoạn toàn phát: bệnh có thể diễn biến nặng lên như trẻ thở nhanh, bú sữa kém hoặc bỏ bú… Bệnh diễn biến nặng vào ngày thứ 03 - 05 của bệnh, sau nhiễm vi-rút RSV trẻ ho nhiều hơn, khò khè… nhất là những trẻ có bệnh nền như trẻ đẻ non, tim bẩm sinh, trẻ sơ sinh dưới 06 tháng…

3. Cách phòng ngừa lây nhiễm vi-rút RSV cho trẻ:

Các gia đình có thể phòng tránh lây nhiễm vi-rút RSV cho trẻ bằng các biện pháp sau:

- Cho trẻ bú sữa mẹ sớm ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu, bú sữa kéo dài đến 24 tháng.

- Cho trẻ ăn dặm đúng cách, đúng phương pháp để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, chia nhỏ các bữa ăn hoặc chia nhỏ cữ bú để giảm tình trạng nôn trớ khi trẻ ho.

- Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi hoặc xịt mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối biển làm thông thoáng đường thở hơn.

- Uống đủ nước, tránh tình trạng thiếu nước vì uống đủ nước sẽ làm loãng đờm cho trẻ.

- Môi trường sống đảm bảo không khí trong lành, không khói thuốc lá…

- Giữ ấm cho trẻ khi ra đường tránh để trẻ nhiễm lạnh.

- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng giống cảm cúm. Làm sạch và vô trùng bề mặt các dụng cụ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ.

- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, đối với trẻ lớn thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế. 

- Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, tránh tình trạng tự mua thuốc về cho trẻ uống vì có thể làm tình trạng bệnh nặng lên.

- Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Cho trẻ tái khám đúng hẹn và phải theo dõi chăm sóc hàng ngày. Chú ý phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh để đưa trẻ đi thăm khám bác sỹ kịp thời.

- Với những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng phải đặc biệt lưu ý. Nếu có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Bác sỹ CKII Bùi Thị Thu Hương - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi do nhiễm vi-rút RSV

Khuyến cáo của bác sỹ nhi khoa tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang:

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa vi-rút hợp bào hô hấp RSV, do vậy trẻ sẽ có khả năng bị lây nhiễm vi-rút này nhiều lần.

Vi-rút RSV có khả năng lây lan mạnh, nếu các bậc phụ huynh chủ quan không cho trẻ đi khám, không biết con mình đang nhiễm RSV sẽ khiến vi-rút phát tán ra cộng đồng làm lây lan cho cộng đồng. Vì vậy, khi thấy trẻ có các triệu chứng như: ho, khò khè, chảy mũi, sốt, bỏ bú hay bú kém, thở nhanh… cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị cho trẻ.

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang là Bệnh viện hạng I, là một trong những bệnh viện hàng đầu trong lĩnh vực Sản - Phụ và Nhi khoa. Với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang là địa chỉ tin cậy để các các bậc phụ huynh đưa con em đến khám và được tư vấn điều trị kịp thời.

Đặc biệt, khi cần tư vấn các bậc phụ huynh vui lòng liên hệ với các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang theo số điện thoại sau: 

Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lê - Trưởng Khoa: 0985147288

Bác sỹ CKII Bùi Thị Thu Hương - Phó Trưởng Khoa: 0979755785

Bác sỹ CKI Trần Thị Lan: 0395880250

Bác sỹ nội trú Lưu Thị Thùy Dương: 0354843558

Bác sỹ nội trú Nguyễn Thị Kim Thoa: 0974652636

Bsác sỹ CKI Thân Quang Trung: 0865267643

Bác sỹ CKI Hoàng Viết Thịnh: 0918235289

Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lê - Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc