Chủ nhật,12/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 6,161
Tổng số trong ngày: 7,361
Tổng số trong tuần: 7,360
Tổng số trong tháng: 180,082
Tổng số trong năm: 1,695,462
Tổng số truy cập: 39,176,092

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang triển khai kỹ thuật cắt lách trong điều trị bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Được sự phê duyệt của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, từ tháng 9/2022, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang bắt đầu triển khai kỹ thuật Cắt lách trong điều trị bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia. Không những vậy, với những bệnh nhi bị chấn thương vỡ lách, lách bệnh lý có chỉ định phẫu thuật cũng sẽ được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang trực tiếp thực hiện. Điều này đã mang lại nhiều thuận lợi cho gia đình bệnh nhi khi không phải chuyển tuyến Trung ương điều trị, giúp tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh.

Bác sỹ CKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại và Bác sỹ CKI Phạm Đăng Bình - Phó Trưởng Khoa Ngoại cùng kíp phẫu thuật cắt lách cho bệnh nhi thiếu máu huyết tán

Bệnh thiếu máu huyết tán (Thalassemia) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên Thế giới. Bệnh Thalassemia xuất hiện ở mọi quốc gia, mọi dân tộc, ở cả nam giới và nữ giới. Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh (người mang gen không có biểu hiện bệnh lý nhưng là nguồn di truyền gen bệnh cho thế hệ sau) có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị suốt đời. Trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh không chỉ phải truyền máu suốt cả cuộc đời mà còn gặp phải nhiều biến chứng nặng nề như biến dạng xương mặt, suy tuyến nội tiết, chậm phát triển về thể chất và tinh thần, suy gan, xơ gan, suy tim, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.

Trường hợp bệnh nhi thiếu máu huyết tán đầu tiên được cắt lách tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang là cháu Diệp Tú Đ. (06 tuổi, trú tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Gia đình phát hiện cháu Đ. bị bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc cháu được 11 tháng tuổi. Những năm qua, định kỳ mỗi tháng/lần gia đình đều đưa con tới Khoa Nội Nhi tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để truyền máu. Thời gian gần đây, sức khoẻ của cháu Đ. yếu hơn, da xanh xao, mỏi mệt, ăn kém, hay chảy máu cam và tần suất truyền máu ngày càng nhiều (từ 02 - 03 lần/tháng). Với tình trạng như vậy, các bác sỹ Bệnh viện đã thăm khám, siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết cho cháu Đ., kết quả nhận thấy số lượng bạch cầu giảm còn 3.8G/L, số lượng Hemoglobin và hồng cầu thấp (HGB 67G/L, RBC 2.62 T/L), gan to, lách to độ IV. Vì vậy, sau khi hội chẩn liên khoa: Khoa Nội Nhi tổng hợp và Khoa Ngoại, các bác sỹ đã quyết định cắt lách toàn phần để đảm bảo sức khoẻ cho cháu Đ. Sau khoảng 01 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại, sức khỏe của cháu Đ. ổn định, các xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường và sẽ được xuất viện về nhà trong 01 - 02 ngày tới.

Bác sỹ CKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại cho biết: “Sau khi được phê duyệt kỹ thuật cắt lách, những bệnh nhi bị bệnh thiếu máu huyết tán có chỉ định cắt lách sẽ được phẫu thuật tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang mà không phải chuyển tuyến Trung ương như trước đây. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các gia đình bệnh nhi vì đa số đều là người đồng bào dân tộc, kinh tế còn nhiều khó khăn. Sau phẫu thuật cắt lách, việc điều trị cho trẻ cũng được đội ngũ y bác sỹ Khoa Ngoại đặc biệt quan tâm, chăm sóc cẩn thận không để trẻ bị nhiễm trùng. Không chỉ cắt lách với những trẻ bị bệnh thiếu máu huyết tán thể nặng mà những trẻ bị chấn thương vỡ lách, lách bệnh lý buộc phải phẫu thuật cũng sẽ được thực hiện tại Bệnh viện. Vì lá lách là một trong những nơi sản sinh ra nhiều kháng thể miễn dịch nên trong trường hợp trẻ bị chấn thương vỡ lách độ I - III, chúng tôi đều cố gắng bảo tồn lá lách để duy trì hệ miễn dịch cho trẻ. Thực tế trong thời gian qua có 02 bé gái (10 tuổi và 12 tuổi) bị ngã xe đạp, chấn thương vỡ lách độ II đã được điều trị nội khoa bảo tồn lá lách thành công tại Khoa Ngoại của Bệnh viện”.

Lá lách to độ IV của bệnh nhi Đ.

Cháu Đ. được điều trị tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang sau cuộc phẫu thuật cắt lách

Thời điểm hiện tại, Khoa Nội Nhi tổng hợp đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 80 trẻ từ 06 tháng - 15 tuổi bị bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Có những trẻ phải truyền máu 02 lần/tháng để duy trì sự sống.

Bác sỹ CKII Nguyễn Văn Sang - Trưởng Khoa Nội Nhi tổng hợp thông tin thêm: “Ngoài truyền máu định kỳ và thải sắt, có khoảng hơn 10 bệnh nhi thiếu máu huyết tán đang điều trị tại Khoa sẽ phải cắt lách để đảm bảo an toàn sức khoẻ. Phẫu thuật cắt lách cho trẻ thường được chỉ định đối với những trường hợp sau: trẻ tăng nhu cầu truyền máu > 200 ml/kg/năm để giữ HGB đạt 90G/L; tăng tình trạng quá tải sắt (mặc dù vẫn thải sắt theo phác đồ); lách quá to (lách to độ IV), cường lách, áp-xe lách và nhồi máu lách diện rộng gây đau, cản trở sinh hoạt hàng ngày; trẻ trên 06 tuổi và trước khi cắt lách trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin phế cầu, não mô cầu, cúm và vắc-xin Hib để tăng cường khả năng miễn dịch.

Những trẻ tan máu bẩm sinh thường bị quá tải sắt. Sắt dư thừa tích tụ trong gan, tim, tinh hoàn/buồng trứng và tuyến yên, từ đó gây tổn thương, suy giảm chức năng của các cơ quan này. Vì vậy, các bậc huynh cần tuân thủ phác đồ điều trị và có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý cho trẻ. Nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu năng lượng và chứa hàm lượng sắt thấp, bổ sung các loại Vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương nhằm duy trì thể trạng và không làm trầm trọng thêm vấn đề quá tải sắt. Tránh để trẻ bị nhiễm trùng, rửa tay thường xuyên, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và khuyến khích trẻ tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi”.

 Bác sỹ CKII Nguyễn Văn Sang - Trưởng Khoa Nội Nhi tổng hợp truyền máu cho trẻ bị bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia

Để hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh Thalassemia, tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho người bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng đã triển khai Chương trình dự phòng ngăn ngừa sinh ra trẻ mang gen bệnh Thalassemia bằng các xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán trước sinh cho tất cả phụ nữ có thai, chọc ối chẩn đoán đột biến gen trong thai kỳ khi có chỉ định của bác sỹ và tư vấn khám sức khoẻ, sàng lọc phát hiện gen bệnh từ giai đoạn tiền hôn nhân. Đặc biệt, các bé tới khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú đều được thực hiện các xét nghiệm máu cơ bản hoặc xét nghiệm điện di huyết sắc tố để sớm phát hiện trẻ mang gen bệnh Thalassemia; từ đó có tư vấn điều trị phù hợp cho trẻ. Hy vọng rằng với sự chung tay của cộng đồng và sự thay đổi nhận thức của mỗi người dân, trong tương lai không xa sẽ không còn những em bé sinh ra đã phải gắn cuộc đời với kim truyền và những bịch máu.

Hiền Chúc – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang