Thứ 6,17/05/2024,

User Online: 6,459
Total visited in day: 6,045
Total visited in Week: 70,097
Total visited in month: 242,819
Total visited in year: 1,758,199
Total visited: 39,238,829

Bệnh Hen phế quản và vai trò của phương pháp Đo chức năng hô hấp tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

 

Khi thời tiết giao mùa trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh hen phế quản. Hen phế quản (hay hen suyễn - gọi tắt là bệnh hen) là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất ở trẻ. Nếu không điều trị hen phế quản kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Trẻ được đo chức năng hô hấp bằng Máy thăm dò chức năng hô hấp Vyntus IOS hiện đại nhất hiện nay tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

  1. Phát hiện bệnh Hen thế nào?

Để chẩn đoán chính xác bệnh hen, cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, nhất là khi trẻ đang ho, đau hoặc cảm thấy nặng ngực, thở khò khè, khó thở (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng…). Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chẩn đoán cũng dễ dàng.

Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hoặc nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức hay khi ăn một thức ăn nào đó,...). Nếu như khò khè, khó thở là những dấu hiệu khá điển hình thì triệu chứng ho tái đi tái lại là triệu chứng khá đặc biệt nhưng thường bị bỏ sót vì mọi người nghĩ trẻ chỉ bị ho thông thường. Ở trẻ dưới 02 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát liên tục 03 lần, ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng. Nhiều khi trẻ mắc bệnh hen chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm (ho nhiều đến mức khiến trẻ không thể ngủ được) mà không hề có triệu chứng nào khác và ban ngày sức khoẻ trẻ lại hoàn toàn bình thường. Một số nhà chuyên môn thường gọi đây là “hen dạng ho” một thể khá đặc biệt của bệnh và thường bị bỏ sót.

2. Làm thế nào để chẩn đoán khi trẻ không có cơn hen hay khi trẻ có triệu chứng không điển hình?

Đó là dựa vào phương pháp đo chức năng hô hấp. Đây là một nghiệm pháp không nguy hiểm, không can thiệp xâm lấn và có thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh hen khi nghi ngờ hen, khi bệnh nhân không lên cơn hen hoặc khi có biểu hiện không điển hình mà một số bác sỹ gọi là “hen giấu mặt”. 

3. Chăm sóc đúng cách để giảm triệu chứng:

Để phòng ngừa cơn hen cấp và giảm triệu chứng bệnh hen cho trẻ, cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen ở trẻ:

- Không nuôi thú vật (chó, mèo…) trong nhà, thường xuyên diệt gián. Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ. Không để những chất nặng mùi (chất tẩy rửa) trong nhà. Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói hương.

- Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ.

- Hàng ngày nên cho trẻ vui chơi ngoài trời ở nơi thoáng khí.

- Cần hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm dễ gây dị ứng làm khởi phát cơn hen như: hải sản, cua, ốc, thịt thú rừng…

4. Để hạn chế cơn hen cấp ở trẻ, các bậc phụ huynh cần làm gì?

- Hiểu đúng về bệnh hen, cách điều trị, nhận biết yếu tố nguy cơ và dấu hiệu vào đợt cấp

- Tránh các yếu tố nguy cơ có thể khởi phát cơn hen

- Sử dụng đúng các nhóm thuốc cắt cơn và ngừa cơn

- Sử dụng đúng dụng cụ hít

- Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, tái khám đúng kỳ

- Điều trị bệnh đồng mắc

- Lập kế hoạch hành động hen

- Tự theo dõi triệu chứng và/ hoặc với lưu lượng đỉnh kế

5. Nếu bệnh hen được kiểm soát thì mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhi?

Kiểm soát được bệnh hen là mong muốn của tất cả y bác sỹ điều trị cũng như các bậc phụ huynh có trẻ bị hen. Khi hen đã được kiểm soát tốt thì người bệnh sẽ không bị các triệu chứng khó chịu mà bệnh hen mang lại. Những triệu chứng hen có thể ảnh hưởng đến công việc hay học tập của trẻ và có thể làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí gây tử vong nhất là khi có các triệu chứng cấp tính. Bệnh hen được kiểm soát sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ bị lên cơn hen cấp phải nhập viện cấp cứu, không những giúp các gia đình có con em bị bệnh hen tiết kiệm chi phí (vì điều trị đợt cấp của hen tốn rất nhiều tiền so với điều trị phòng ngừa để kiểm soát bệnh) mà còn tránh được nguy cơ tử vong do cơn hen cấp nguy hiểm gây ra. 

6. Lời khuyên của bác sỹ:

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý: Khi trẻ có các dấu hiệu hen hoặc nghi ngờ mắc bệnh hen thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ điều trị, tái khám đúng hẹn và không được tự ý ngừng thuốc ngay cả khi tình trạng sức khoẻ của trẻ đã tốt hơn.

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của cơn hen: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Trong trường hợp này nếu đã được bác sỹ hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn hen tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). Cho trẻ nghỉ ngơi trong 01 giờ.

 Thông thường, việc điều trị hen cho trẻ thường được thực hiện tại nhà, dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Trong trường hợp đã cho trẻ sử dụng thuốc nhưng ít tác dụng hoặc trẻ mắc thêm bệnh lý nào đó khiến cơn hen nặng hơn thì cần đưa trẻ nhập viện trong những trường hợp sau: Khi trẻ liên tục có cơn hen cấp, gây khó thở nặng nề; Trẻ đã dùng thuốc cắt cơn hen mà không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở; Trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi hay đầu ngón tay - đây là dấu hiệu rất nguy kịch.

* Đo chức năng hô hấp tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang:

Đo chức năng hô hấp là phương pháp dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý hô hấp như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh phổi hạn chế...

1. Những trẻ cần đo chức năng hô hấp:

- Khi trẻ có triệu chứng lâm sàng: khó thở, khò khè, ngồi thở, thở ra khó khăn, ho đờm kéo dài, ho khan kéo dài, dị dạng lồng ngực, lồng ngực phình.

- Khi trẻ có xét nghiệm cận lâm sàng bất thường như: giảm Oxy máu, tăng CO2 máu, đa hồng cầu, X-quang lồng ngực bất thường.

- Đo chức năng hô hấp để theo dõi, lượng giá đáp ứng điều trị, diễn tiến bệnh khi trẻ đã được chẩn đoán và đang điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh phổi hạn chế.

2. Chuẩn bị gì trước khi đo chức năng hô hấp cho trẻ?

- Cho trẻ mặc quần áo rộng 

- Không để trẻ vận động mạnh trong vòng 30 phút trước khi đo

- Không cho trẻ ăn no trong vòng 02 giờ trước khi đo  

- Không cho trẻ sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi đo 06 giờ nếu là loại thuốc tác dụng ngắn, 12 giờ nếu là loại tác dụng kéo dài và 24 giờ nếu là loại uống như Theophyllin.

Đo chức năng hô hấp là một phương pháp thường được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lý hô hấp. Thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị bệnh nhân trước khi đo hô hấp ký mang lại hiệu quả tối ưu về chẩn đoán và điều trị.

Từ tháng 12/2020, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang bắt đầu đưa vào sử dụng Máy thăm dò chức năng hô hấp Vyntus IOS hiện đại nhất hiện nay phục vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng trẻ em. Máy sử dụng phương pháp đo dao động xung ký và hô hấp ký với những ưu điểm vượt trội so với phương pháp thăm khám lâm sàng truyền thống, thực hiện được ở bệnh nhi từ 03 tuổi trở lên. Máy thăm dò chức năng hô hấp Vyntus IOS hỗ trợ hiệu quả trong việc chẩn đoán và xác định chính xác các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ như bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… từ đó phục vụ hiệu quả công tác điều trị. Đặc biệt, phương pháp đo dao động xung ký là kỹ thuật mới với ưu điểm như bệnh nhi không cần gắng sức, không phụ thuộc vào nỗ lực thở của bệnh nhi mà vẫn có thể đưa ra kết quả chính xác. Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng là nơi điều trị và quản lý bệnh hen trẻ em từ năm 2011 đến nay. Mỗi năm, Khoa Nội Nhi Hô hấp tiếp nhận điều trị ngoại trú cho khoảng 100 trẻ mắc bệnh hen. Bệnh nhi được khám lâm sàng, xét nghiệm máu, đo chức năng hô hấp, cấp thuốc điều trị theo định kỳ. Số trẻ em mắc bệnh hen được quản lý tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã được kiểm soát tốt và có cuộc sống sinh hoạt, học tập bình thường. 

Là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Bắc Giang trong lĩnh vực Nhi khoa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang là địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh có con em bị bệnh hen hoặc nghi ngờ mắc bệnh hen đến khám và điều trị kịp thời. 

Để được tư vấn cụ thể, các bậc phụ huynh vui lòng liên hệ Bác sỹ CKII Thân Thị Uyên - Phó Trưởng Khoa Nội Nhi Hô hấp: 0972298451. 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoan: 0976721363.

Bác sỹ CKII Thân Thị Uyên - Phó Trưởng Khoa Nội Nhi Hô hấp