Thứ 2,13/05/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 5,064
Tổng số trong ngày: 8,964
Tổng số trong tuần: 18,337
Tổng số trong tháng: 191,059
Tổng số trong năm: 1,706,439
Tổng số truy cập: 39,187,069

Bảo tồn tử cung cho sản phụ bị rau cài răng lược ở góc sừng tử cung tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

 

Vỡ ối sinh non ở tuần thứ 31 thai kỳ với ngôi thai ngược và bị rau cài răng lược ở góc sừng phải tử cung, sản phụ Lưu Thị Chiêm (35 tuổi, trú tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) may mắn được Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện cùng kíp phẫu thuật bảo tồn tử cung thành công giúp bảo toàn sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ.

Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện cùng kíp phẫu thuật bảo tồn tử cung cho sản phụ Chiêm

Ngày 16/11/2022, sản phụ Chiêm được người nhà đưa vào nhập viện Sản Nhi Bắc Giang khi có dấu hiệu rỉ ối. Sau 02 ngày được theo dõi sát sao sức khoẻ của Mẹ và thai nhi, tới ngày 18/11/2022, sản phụ Chiêm hạ sinh bé gái Nguyễn Thuỳ Chi với cân nặng 1,7 kg. Do sinh non thiếu tháng và có dấu hiệu suy hô hấp nên bé Thuỳ Chi được chuyển về Khoa Sơ sinh để các y bác sỹ chăm sóc đặc biệt trong giường sưởi ấm trẻ sơ sinh.

Tại Khoa Đẻ, sau khi sổ thai, các bác sỹ đã xử trí tích cực giai đoạn 03 để lấy rau. Do bánh rau bong không hoàn toàn nên đã tiến hành bóc rau, kiểm soát tử cung nhưng không lấy được hết rau. Các bác sỹ đã tiêm thuốc co hồi tử cung, dùng thuốc kháng sinh, siêu âm cho sản phụ Chiêm và xác định sót rau trong buồng tử cung. Trong 10 ngày điều trị sau đẻ, sản phụ Chiêm bị sốt cao liên tục 38,5- 39oC, dù được dùng kháng sinh mạnh và nạo buồng tử cung 03 lần nhưng không lấy được hết rau. Nhận thấy đây là trường hợp phức tạp, các bác sỹ Khoa Sản II đã mời Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện trực tiếp hội chẩn và đưa ra phương pháp xử trí thích hợp.

Lựa chọn phương pháp tối ưu nhất đó là bảo tồn tử cung vì sức khoẻ của bệnh nhân

Đó là tâm sự của Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khi quyết định phẫu thuật bảo tồn tử cung cho sản phụ Chiêm. 

Ngay khi được mời hội chẩn chuyên môn, Giám đốc Lê Công Tước đã trực tiếp siêu âm và phát hiện khối rau sót là rau cài răng lược ở góc sừng phải tử cung nên không thể nạo được và cần phải phẫu thuật. “Có 02 nguyên nhân khiến việc lấy hết tổ chức rau còn sót lại ở góc sừng phải tử cung không thành công. Thứ nhất là do góc sừng tử cung vẹo nên không thể đưa dụng cụ vào sâu để nạo rau. Nguyên nhân thứ hai do rau cài răng lược bám chặt vào góc sừng phải tử cung nơi thai làm tổ từ khi thai mới về buồng tử cung nên nơi này bị giãn mỏng và có nhiều mạch máu, dụng cụ nếu vào tới được góc sừng phải tử cung để nạo rau thì nguy cơ sẽ làm rách cơ tử cung và khiến sản phụ bị băng huyết dữ dội, có thể dẫn tới tử vong. Trong trường hợp này, phẫu thuật là giải pháp duy nhất. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đối mặt với khó khăn lớn khi đưa ra quyết định bảo tồn tử cung cho sản phụ Chiêm trong khi sản phụ Chiêm vẫn đang sốt cao 39oC vì tử cung bị nhiễm trùng do sót rau. Thông thường thì cắt tử cung là giải pháp an toàn cho tính mạng của sản phụ. Nhưng với tâm niệm luôn đặt sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần của bệnh nhân lên trên hết, trước hết, vì lẽ đó nên thay vì phẫu thuật cắt tử cung thì chúng tôi đã quyết định phẫu thuật lấy hết tổ chức rau còn sót lại và bảo tồn tử cung cho sản phụ Chiêm nhằm đảm bảo tâm, sinh lý và bảo toàn sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ”. 

Cuộc phẫu thuật thành công bảo tồn được tử cung cho sản phụ Chiêm

10h30ph ngày 30/11/2022, khi tiến hành phẫu thuật, quan sát trong ổ bụng, kíp phẫu thuật của Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện và Bác sỹ CKII Dương Minh Thành - Trưởng Khoa Sản II  thấy góc sừng phải tử cung bị phồng căng thành một khối có đường kính khoảng 10 cm mật độ mềm, có nhiều mạch máu tăng sinh nổi lên bề mặt. Để ngăn chặn máu chảy ra trong quá trình mở góc sừng tử cung để bóc rau, Giám đốc Bệnh viện Lê Công Tước đã thắt tạm thời 02 động mạch tử cung và thắt tạm thời động mạch buồng trứng tử cung bằng chỉ Catgut, tiếp đó mở góc sừng tử cung lấy hết tổ chức rau cài răng lược ở đó và khâu phục hồi cơ tử cung. Sau khi khâu phục hồi tử cung, các bác sỹ nới chỉ Catgut thắt động mạch ra kiểm tra thấy không chảy máu, phần phụ 02 bên bình thường. Kết quả sau gần 01 tiếng phẫu thuật, kíp phẫu thuật đã bảo tồn tử cung thành công cho sản phụ Chiêm và trong quá trình phẫu thuật sản phụ không bị chảy máu.

Rau cài răng lược ở góc sừng phải tử cung

Khối rau cài răng lược góc sừng phải tử cung có đường kính khoảng 10cm

Tử cung được khâu bảo tồn thành công

Sau 06 tiếng nằm trong Phòng Hồi sức hậu phẫu, sản phụ Chiêm được chuyển về Khoa Sản II để y bác sỹ chăm sóc trước khi xuất viện. Và sau 01 tuần được điều trị tích cực tại Bệnh viện, sức khỏe của sản phụ Chiêm ổn định. Tới thời điểm hiện tại, sản phụ Chiêm được xuất viện và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Chia sẻ sau ca phẫu thuật thành công, Anh Nguyễn Văn Tiệp - chồng chị Chiêm chia sẻ: “Con gái tôi sinh non tháng được chăm sóc tận tình ở Khoa Sơ sinh nên gia đình cũng rất yên tâm. Nhưng vợ tôi sau khi đẻ xong bị sót rau, lại sốt cao liên tục khiến gia đình rất lo lắng. Khi được bác sỹ thông báo là rau bị sót ở vị trí phức tạp, không nạo được mà phải phẫu thuật thì cả 02 bên gia đình đều rất sợ hãi, chỉ sợ có gì bất trắc xảy ra. Rất may là cuộc phẫu thuật đã thành công, vợ tôi cũng hồi phục sức khoẻ nhanh chóng và con gái tôi sau 23 ngày được nuôi dưỡng tại Khoa Sơ sinh cũng cứng cáp, khoẻ mạnh hơn và nặng 02kg. Tôi xin cảm ơn Bác sỹ Tước và kíp mổ rất nhiều vì đã cứu sống và bảo tồn tử cung thành công cho vợ tôi. Thay mặt gia đình xin kính chúc tập thể y bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang luôn dồi dào sức khoẻ để chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân”.

Bé Nguyễn Thuỳ Chi được chăm sóc tận tình tại Khoa Sơ sinh

Sản phụ Chiêm được chồng chăm sóc tại Khoa Sản II

Khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa

Rau cài răng lược là bệnh lý sản khoa xảy ra khi một phần hay toàn bộ bánh rau bám đến lớp cơ tử cung hoặc đâm xuyên qua thành tử cung. Bình thường sau khi sinh, bánh rau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài; nhưng khi bị rau cài răng lược, bánh rau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây nên tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu,... thậm chí có thể khiến người mẹ tử vong. Phương pháp xử trí rau cài răng lược kinh điển đó là: nếu không bóc được rau hoặc sau bóc rau mà chảy máu thì cắt tử cung để cầm máu. 

Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện thăm hỏi tình hình sức khoẻ của sản phụ Chiêm

Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang Lê Công Tước cũng thông tin thêm: “Sản phụ Chiêm bị rau cài răng lược ở vị trí khó nơi góc sừng tử cung nên việc bảo tồn tử cung thành công cho những trường hợp như thế này không phải là điều dễ dàng. Bởi vì vùng góc sừng tử cung nơi thai làm tổ bị giãn rộng, mỏng hơn rất nhiều nên khi bóc rau cài răng lược rất dễ gây thủng và rách cơ tử cung, nếu không có kỹ thuật thắt mạch máu tốt thì thường phải cắt tử cung để cầm máu bởi nếu cố gắng bảo tồn tử cung mà không thành công thì nguy cơ cao là sản phụ sẽ bị mất máu nặng dẫn tới tử vong. Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang từ nhiều năm nay, nhờ áp dụng kỹ thuật thắt động mạch kết hợp kỹ thuật khâu phục hồi cơ tử cung rất tốt nên đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện đã bảo tồn tử cung thành công cho rất nhiều trường hợp sản phụ bị rau cài răng lược thậm chí rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược nhằm đảm bảo tâm lý cũng như sinh lý cho người bệnh. Thực tế là có nhiều bệnh nhân được bảo tồn tử cung thành công theo phương pháp này đã mang thai và được mổ đẻ an toàn tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Để phát hiện sớm rau cài răng lược và hạn chế biến chứng rau cài răng lược trong khi đẻ, sau đẻ hay sau mổ thì phụ nữ mang thai cần phải được quản lý thai nghén, siêu âm bởi các bác sỹ sản khoa có trình độ chuyên môn vững vàng tại các cơ sở y tế uy tín. Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, trong trường hợp nghi ngờ rau cài răng lược, các bác sỹ sẽ kết hợp siêu âm Doppler và chụp cộng hưởng từ MRI để đánh giá mức độ xâm lấn vào cơ tử cung. Căn cứ kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ MRI sẽ biết được rau cài răng lược diện rộng hay hẹp cũng như mức độ phức tạp để từ đó có phương pháp xử trí thích hợp. Trường hợp sản phụ phát hiện sớm rau cài răng lược trong thời kỳ mang thai thì nên sinh em bé tại các bệnh viện tuyến Tỉnh hoặc tuyến Trung ương thay vì cơ sở y tế tuyến Xã/Huyện để tránh nguy hiểm xảy ra. Các thai phụ cũng nên đi kiểm tra, theo dõi thai kỳ thường xuyên tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại để được quản lý thai nghén một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, những sản phụ từng có tiền sử mổ đẻ thì nên chờ tối thiểu 24 tháng mới nên có thai trở lại. Khi mới mang thai cần đi siêu âm xem vị trí làm tổ của thai, nếu phát hiện thai làm tổ ở vị trí bất thường như góc sừng tử cung, vết mổ đẻ cũ thì nên chủ động đình chỉ thai nghén để tránh bị rau cài răng lược, rau tiền đạo trung tâm cài răng lược trên vết mổ đẻ cũ gây nguy hiểm tới sức khoẻ của Mẹ và thai nhi. 

Hiền Chúc - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang