Chủ nhật,19/05/2024,

User Online: 23,368
Total visited in day: 2,229
Total visited in Week: 2,228
Total visited in month: 266,528
Total visited in year: 1,781,908
Total visited: 39,262,538

Bắc Giang chủ động phòng chống Cúm A

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

Tính đến hết ngày 25/12/2019, theo báo cáo của Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang, toàn tỉnh ghi nhận: 969 trường hợp cúm A.  Trong đó số ca bệnh tại bệnh viện Sản Nhi: 62 (+) cúm A/ 139 trường hợp Cúm đến khám và điều trị.  Tại BVĐK tỉnh tổng số ca (+) cúm A: 880 trường hợp, cúm B 424 trường hợp, AB 12 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh không có trường hợp nhiễm cúm A nào tử vong.

Thời tiết chuyển mùa cũng là lúc các bệnh cúm mùa, đặc biệt là cúm A(H1N1) dễ tấn công và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A(H1N1) gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Cúm A (H1N1) có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virut rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt là nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ…

Thời gian lây truyền là 1 ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh thường nhẹ, tự khỏi sau vài ngày nhưng có thể có diễn tiến nặng nếu xảy ra trên một số nhóm có nguy cơ như thai phụ, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như béo phì, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm miễn dịch...

Những người mắc các bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung thức ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cơ thể, ngăn ngừa nhiễm virut cúm. Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả phòng bệnh Cúm. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virut như Tamiflu mà phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ.

Trước thực trạng số lượng bệnh nhân bị nhiễm Cúm A(H1N1) có xu hướng tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có công văn số 442 ngày 25/12/2019 về tăng cường phòng chống dịch Cúm A(H1N1). Đề nghị các Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh Cúm A(H1N1). Tiếp tục tăng cường công tác giám sát các trường hợp nghi Cúm tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh và các nhà trường để phát hiện sớm các trường hợp mắc Cúm. Xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch, cách ly, điều trị kịp thời tránh để biến chứng nặng, tránh lây lan ra cộng đồng.

Củng cố đội chống dịch cơ động, dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế để điều trị và sẵn sàng đáp   ứng khi có dịch xảy ra.

Tất cả mọi người đều có thể chủ động phòng ngừa bệnh cúm cho chính bản thân mình bằng các biện pháp đơn giản sau:

- Ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi-rút.

- Tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý.

- Tiêm ngừa cúm, đặc biệt là với những người có nguy cơ lây nhiễm cao, như: nhân viên y tế, trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, đái tháo đường, tim bẩm sinh, suy tim, suy giảm miễn dịch).

- Theo dõi sức khỏe của bản thân, chú ý đặc biệt tới những triệu chứng của cúm và khám bệnh kịp thời.

- Vệ sinh môi trường sinh sống và nơi làm việc.

- Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng.

Nguyễn Hòa