Thứ 6,17/05/2024,

User Online: 10,523
Total visited in day: 11,370
Total visited in Week: 75,422
Total visited in month: 248,144
Total visited in year: 1,763,524
Total visited: 39,244,154

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

       Ngày 30 tháng 6 năm 2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), trong đó quy định điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.

       Cụ thể, có 6 đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV gồm: 1- Người có quan hệ tình dục đồng giới; 2- Người chuyển đổi giới tính; 3- Người sử dụng ma túy; 4- Người bán dâm; 5- Vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại (1), (2), (3), (4) nêu trên; 6- Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.

       Cơ sở tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV bao gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế khác.

       Nghị định nêu rõ điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm: Phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; bác sỹ hoặc y sỹ thực hiện việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.

      Điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở y tế khác như sau: Có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để phục vụ cho việc điều trị đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; có bác sỹ hoặc y sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.

       Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.

        Theo đó, tại Điều 4 Nghị định đã quy định tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở quản lý. Cụ thể như sau:

      Về nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: (a) Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV; (b) Hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội; (c) Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS; (d) Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV; (đ) Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; (e) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; (g) Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các nội dung về chăm sóc sức khỏe khác; (h) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.

      Hình thức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: (a) Thông qua các phương tiện truyền thông như: loa truyền thanh, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; chiếu phim có nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS; (b) Truyền thông theo nhóm đối tượng quản lý trên cơ sở phân loại của cơ sở quản lý; (c) Truyền thông cá nhân cho đối tượng quản lý; (d) Truyền thông trong các sự kiện: Tổ chức các cuộc thi về phòng, chống HIV/AIDS; các buổi văn nghệ và các sự kiện lồng ghép các nội dung phòng, chống HIV/AIDS nhân các sự kiện của cơ sở quản lý hoặc Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; (đ) Lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giáo dục thường xuyên của cơ sở quản lý; (e) Cấp phát các ấn phẩm, tài liệu truyền thông cho đối tượng quản lý; (g) Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS thực hiện theo quy định tại Điều 21 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Mỗi đối tượng quản lý được tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS ít nhất 2 lượt trong một năm.

     Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Tại đây