Thứ 2,03/06/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 16,560
Tổng số trong ngày: 6,135
Tổng số trong tuần: 26,373
Tổng số trong tháng: 40,289
Tổng số trong năm: 2,087,771
Tổng số truy cập: 39,568,401

Tăng cường hoạt động cung cấp thông tin và giới thiệu công nhân đến các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2021-2022 cho thấy kiến thức, hiểu biết về HIV của giới trẻ còn hạn chế. Tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%; tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6% và nam là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam);  Theo một đánh giá nhanh năm 2022 trên 3.500 công nhân từ 50 nhà máy ở một số tỉnh phía Nam cho thấy hiểu biết của công nhân lao động về HIV còn hạn chế: chỉ có 1/3 công nhân trả lời đúng và đầy đủ các cách dự phòng lây nhiễm HIV; 44,7% công nhân biết HIV/AIDS có thể điều trị được; phần lớn công nhân trả lời ngại sử dụng bao cao su để phòng bệnh; 79% công nhân sẵn sàng đi xét nghiệm với bạn đời/bạn tình để phát hiện HIV nếu nghi ngờ có hành vi nguy cơ; ít hơn 30% công nhân chưa có gia đình có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục6. Phân tích trong số ca có phản ứng với HIV trong gần 3 năm trở lại đây thì nhóm lao động trong nhà máy, xí nghiệp chiếm 21%. Độ tuổi nhiễm HIV nhiều nhất rơi vào từ nhóm 20 - 29 tuổi và ngày càng trẻ hóa.

 

Một doanh nghiệp, một cơ sở dịch vụ dù ở bất cứ lĩnh vực nào hay tuyến nào cũng không thể đáp ứng tất cả nhu cầu về dự phòng và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS/STIs của người lao động. Trong khi đó, người lao động, đặc biệt là người lao động nhiễm HIV có những nhu cầu rất khác nhau về thể chất, tinh thần và xã hội như tư vấn xét nghiệm HIV, mua bao cao su trợ giá, điều trị HIV/AIDS, khám chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs), hỗ trợ tâm lý và xã hội...

Cung cấp thông tin và giới thiệu dịch vụ được đề cập ở đây là hoạt động giới thiệu thông tin về các dịch vụ có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ người lao động hoặc gia đình họ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ đó khi cần một cách phù hợp và thuận tiện nhất tại địa bàn hoặc ở tuyến trên. Việc hiểu biết và giới thiệu người lao động đến các dịch vụ y tế, xã hội liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn làm tăng uy tín của doanh nghiệp.

Các bước cung cấp thông tin và giới thiệu dịch vụ có hiệu quả. Nắm chắc thực trạng hệ thống các dịch vụ  Doanh nghiệp cần có danh sách các đơn vị cung cấp dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn doanh nghiệp trú đóng hoặc ở tuyến trên. Danh sách này có thể có sẵn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố hoặc các dự án trên địa bàn. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV; Cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); Khám, điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng HIV; Cung cấp bơm kim tiêm, bán trợ giá bao cao su; Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Hỗ trợ tâm lý, xã hội, giáo dục; Hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm;

Với mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ nêu trên, cần có thông tin về: Địa chỉ, số điện thoại và thời gian làm việc; Địa bàn phục vụ; Đối tượng phục vụ; Dịch vụ chính được cung cấp; Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ; Thông tin để liên hệ: Tên, địa chỉ, điện thoại...; Những lợi ích mà dịch vụ có thể mang lại; Những thuận lợi (bảo mật, miễn phí, giờ làm việc, thái độ của nhân viên...); Những hạn chế (nếu có) để người lao động có thể chuẩn bị tinh thần trước; Chi phí phải chi trả. Lưu ý địa chỉ các dịch vụ, người liên hệ... có thể thay đổi nên phải thường xuyên cập nhật để việc giới thiệu được chính xác, tạo niềm tin cho người được giới thiệu.

Xác định nhu cầu của người lao động, người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS cần xác định nhu cầu của người lao động qua quá trình truyền thông, tư vấn để hiểu rõ đặc điểm nhân thân, hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật, tâm tư, nguyện vọng, dịch vụ mà người lao động mong muốn hoặc người giới thiệu nhận thấy họ cần được giới thiệu đến các dịch vụ này. Hỗ trợ người lao động tiếp cận với các dịch vụ, cung cấp thông tin về các dịch vụ (khả năng cung cấp, đáp ứng, khó khăn, thuận lợi, lợi ích của việc tiếp cận dịch vụ...) mà  người lao động có nhu cầu hoặc cần sử dụng và có thể tiếp cận được; Giải thích thêm nếu còn băn khoăn, chưa hiểu rõ để  người lao động lựa chọn giải pháp, sau đó cùng  người lao động lập kế hoạch thực hiện. Động viên người lao động yên tâm nhận dịch vụ và nói với họ rằng bạn sẽ sẵn sàng giúp đỡ họ bất cứ khi nào họ cần.

Theo dõi kết quả và hỗ trợ sau chuyển gửi dịch vụ, người giới thiệu cần tìm hiểu xem người lao động có tới sử dụng dịch vụ không, nếu họ đã sử dụng dịch vụ thì họ đã được hỗ trợ gì, họ có chuyển đến cơ sở tiếp theo hay về nhà tiếp tục theo dõi.... Nếu họ chưa đến sử dụng dịch vụ vụ thì do nguyên nhân gì. Tùy theo nguyên nhân mà người giới thiệu hỗ trợ, động viên người lao động đến sử dụng dịch vụ càng sớm càng tốt. Các hoạt động giới thiệu địa chỉ, thông tin về dịch vụ và hỗ trợ tiếp cận dịch vụ thường được lồng ghép trong quá trình truyền thông do truyền thông viên thực hiện hoặc thông qua các tờ rơi có sẵn tại doanh nghiệp được để ở những nơi dễ nhìn thấy và dễ lấy. Lưu ý: Các thông tin về dịch vụ về HIV/AIDS nên tích hợp vào mã QR code để công nhân lao động có đầy đủ thông tin khi cần.

Cung cấp thông tin và giới thiệu các dịch vụ y tế nói chung và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nói riêng đối với công nhân lao động là rất cần thiết để đảm bảo công nhân lao động được chăm sóc sức khỏe toàn diện.

 

Hoàng Quang