Thứ 6,29/03/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 9,769
Tổng số trong ngày: 10,322
Tổng số trong tuần: 65,005
Tổng số trong tháng: 336,143
Tổng số trong năm: 1,091,213
Tổng số truy cập: 38,571,843

Tóm tắt lịch sử hình thành

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

         Trong thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Bắc Giang chỉ có một bệnh viện lưu động khám chữa bệnh cho người Pháp. Năm 1907, nhà thương bản xứ được xây dựng ở tỉnh lỵ Phủ Lạng Thương với 30 - 50 giường bệnh. Sau này có thêm 1 nhà hộ sinh ở Phủ Lạng Thương; 2 trạm y tế - hộ sinh ở Lục Nam và Nhã Nam; 1 trạm xá ở Yên Thế; 1 nhà lục xì, 1 trại phong ở Song Mai; 1 nhà thương điên ở Vôi.

         Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ngành y tế Bắc Giang được hình thành trên cơ sở nhà thương Bắc Giang và các cơ sở y tế khác. Giữa năm 1946, một số phòng phát thuốc (phòng y tế) được thành lập ở các huyện. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, bộ máy gồm có Văn phòng Ty Y tế, Bệnh viện tỉnh và các phòng y tế huyện. Trải qua nhiều tên gọi trong những thời điểm lịch sử khác nhau đến ngày 01/01/1997 bộ máy của ngành y tế Bắc Giang gồm có Sở Y tế, phòng y tế các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
 Hơn 70 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ y tế, ngành y tế Bắc Giang đã vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mỗi thời kỳ, ngành y tế đều  gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chung của tỉnh cũng như của đất nước. 

Chương I
CÔNG TÁC Y TẾ TRONG THỜI KỲ
 KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 -1954)

 

Giữa những ngày nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương đang tích cực tập luyện quân sự, chuẩn bị mọi mặt cho việc bảo vệ và giữ vững chính quyền, ngày 06/5/1946, Bệnh viện Phủ Lạng Thương vinh dự được Bác Hồ về thăm và động viên. Làm theo lời Bác, Bệnh viện đã cho vệ sinh, cuốc đất tăng gia, đồng thời đi sâu học hỏi chuyên môn, nâng cao trình độ chuyên môn cho y, bác sĩ.
Để thực hiện nhiệm vụ cùng nhân dân chiến đấu ngăn chặn địch mở rộng phạm vi chiếm đóng và tiêu diệt phỉ. Tháng 01/1947, thực hiện nghị quyết liên tịch giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế, quân dân y của tỉnh sáp nhập thành Ban quân, dân y tỉnh. Ban đã tập trung một số người hành nghề tư, y tá cứu thương và một số cán bộ chuyên môn của dân y đi phục vụ chiến đấu ở mặt trận Đông Bắc đã tiến hành cứu chữa cho nhiều thương, bệnh binh. Cuối tháng 3/1947 chiến tranh mở rộng, Ban quân dân y tách ra thành Bệnh viện Bắc Giang và Viện quân y Bắc Bắc.
Căn cứ vào phương hướng hoạt động của ngành y tại hội nghị toàn quốc, Y tế Bắc Giang đã đề ra một số công tác cần đẩy mạnh như phòng chống dịch bệnh, truyền bá vệ sinh… Thời gian này, ở vùng tạm chiếm, cán bộ y tế xã, huyện len lỏi hoạt động ban đêm, thực hiện một số dịch vụ y tế như khám bệnh, phát thuốc, chủng đậu… trong từng gia đình. Giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do là vùng du kích, cán bộ y tế chỉ tiến hành khám chữa bệnh, cấp cứu, tiêm phòng từng lúc, bí mật. Mạng lưới y tế được thành lập ở vùng tự do, tại đây công tác vệ sinh phòng bệnh, tiêm chủng, bảo vệ bà mẹ trẻ em được coi trọng, đạt được những kết quả nhất định. Thời kỳ này, thuốc men, trang thiết bị thiếu thốn, Bệnh viện tỉnh luôn di chuyển, cơ sở chủ yếu dựa vào dân, song công tác khám, chữa bệnh được đẩy mạnh, có sự phối hợp giữa tỉnh, huyện, xã, giữa quân, dân y nên đã hạn chế một số dịch bệnh, cứu chưa kịp thời bộ đội và nhân dân bị thương, bị bệnh.
 Năm 1950, Ty Y tế Bắc Giang sáp nhập vào Ty Y tế Bắc Bắc (tồn tại hơn một năm). Viện giải phẫu Bắc Bắc được thành lập phục vụ cho chiến trường các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn… đã cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân và nạn nhân chiến tranh, tổ chức các lớp đào tạo y tá, nữ hộ sinh. Từ tháng 6/1953, Ty Y tế Bắc Giang và Bệnh viện Bắc Giang (gồm cả Viện giải phẫu Bắc Bắc sáp nhập) triển khai các hoạt động khám chữa bệnh, thành lập các đoàn chống dịch lưu động về các địa phương tiêm vác xin và chủng đậu  nỗ lực cứu chữa nhân dân; tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chăm lo sức khỏe cho dân công…
Trong 9 năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Y tế Liên khu, ngành Y tế Bắc Giang đã ngày một trưởng thành và phát triển. Tổ chức y tế từ huyện tới xã, cơ quan, công, nông trường được hình thành. Hàng nghìn y tá, nữ hộ sinh được đào tạo. Mặc dù phải di chuyển nhiều, song ngành Y tế đã đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho quân và dân, dập tắt được nhiều dịch bệnh.

Chương II
CÔNG TÁC Y TẾ GIAI ĐOẠN HÒA BÌNH XÂY DỰNG
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở MIỀN BẮC (1954 – 1965)

 

           Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngành y tế Bắc Giang đứng trước những nhiệm vụ mới. Hàng loạt công việc được tiến hành như thành lập các trạm y tế huyện thay cho phòng phát thuốc; thành lập các đội phòng chống sốt rét, đội chống lao-phong, đổi tên đội y tế lưu động thành đội vệ sinh phòng dịch; thành lập Trường Y sĩ, đào tạo các lớp y tá, hộ sinh ở các phòng y tế huyện; xây dựng, củng cố trạm hộ sinh xã; phát động phong trào vệ sinh phòng dịch với nội dung chủ yếu là ba sạch, bốn diệt, thực hiện thường xuyên công tác tiêm chủng, đẩy mạnh phong trào xây dựng các xóm, xã điển hình. Những năm đầu thập kỷ 60 là thời kỳ khởi sắc của phong trào vệ sinh phòng dịch tỉnh Bắc Giang, nhiều đơn vị và cá nhân được tặng Huân chương, Bằng khen các loại.
Ngành Y tế phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp tuyên truyền kiến thức về vệ sinh thai sản, vệ sinh phụ nữ, vận động xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh. Một số xã thành lập các tổ “trợ sản” giúp nhau khi sinh đẻ, ốm đau. Ở miền núi, tổ trợ sản  tuyên truyền vận động chị em người dân tộc biết giữ gìn vệ sinh, bỏ tập quán tự đẻ, tự đỡ, hay tự đứng đẻ ở vườn… Ở miền xuôi, tổ trợ sản vận động chị em đi khám phụ khoa, đăng ký khám thai, thăm hỏi khi sinh đẻ. Từ năm 1962, công tác sinh đẻ có hướng dẫn (sau là sinh đẻ có kế hoạch) bắt đầu được triển khai ở Bắc Giang.
Công tác phòng chống các bệnh xã hội được tăng cường: Tổ chức phòng chống bệnh sốt rét, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống sốt rét.  Năm 1962, tỉnh Bắc Giang triển khai chiến dịch tấn công tiêu diệt bệnh sốt rét, mở đầu bằng các đợt phun thuốc DDT cho tất cả các huyện, thị. Mỗi cụm xã đều tổ chức nhiều đội phun thuốc DDT, một số đội còn tổ chức phát thuốc, điều trị, lấy máu xét nghiệm, quản ý bệnh nhân, vệ sinh môi trường.
Tháng 10/1962, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hợp nhất thành Hà Bắc. Từ tháng 4/1963 tỉnh Hà Bắc hoạt động theo đơn vị hành chính mới.
Năm 1964, tỉnh Hà Bắc tổ chức hội nghị tổng kết ba năm tiêu diệt bệnh sốt rét, kết quả bệnh sốt rét trong toàn tỉnh giảm được 80%. Cũng trong năm, còn có vấn đề mới là chống chiến tranh sinh học và hóa học, Ty Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống, phổ biến tài liệu và cử cán bộ xuống nơi lấy mẫu vật phẩm nghi có chất độc về xét nghiệm. Đã có 4 bệnh viện, bệnh xá huyện có bác sĩ, dược sĩ trung cấp, hai bệnh viện huyện có y sĩ xét nghiệm. Công tác điều trị có nhiều tiến bộ rõ rệt (năm 1963 mới chỉ mổ được vài trường hợp, năm 1964 mổ được 141 trường hợp). Công tác dược và kết hợp Đông – Tây y được quan tâm, đẩy mạnh  có 227 phòng bán dược xã, một số huyện đạt 100% số xã  có quầy bán thuốc như Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn... 


Chương III:
CÔNG TÁC Y TẾ TRONG THỜI KỲ CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1965 -1975)

 

          Ngành Y tế Hà Bắc chuyển hướng hoạt động, phục vụ chiến đấu, góp phần  đánh thắng Đế quốc Mỹ xâm lược: Tháng 8/1964, Mỹ bắn phá miền Bắc, Ty Y tế Hà Bắc đã triển hai họp, chỉ thị toàn ngành thành lập các ban chỉ huy phòng không, các cơ sở y tế khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn, phân tán bệnh viện, thành lập các tổ, đội cấp cứu và huấn luyện mạng lưới cấp cứu phòng không, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chuẩn bị tốt hầm, hào phòng tránh cho bệnh nhân, phòng làm kỹ thuật, nơi cất giữ vật tư y tế. Ngành y tế đề ra phương châm: “ phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu và đời sống”. Ngày 21/6/1966 địch sử dụng bom bi đánh vào thôn Bùi (Song Mai) và các xã Đào Mỹ, Bố Hạ, Ty Y tế đã nhanh chóng cấp cứu người bị thương. Tháng 8/1966 địch ồ ạt đánh phá hai huyện Tân Yên, Yên Thế, Ty Y tế đã điều ba đội phẫu thuật lên mổ tại chỗ, làm việc suốt ngày đêm, cứu chữa người bị thương. Những năm 1967, 1968 địch bắn phá ác liệt, các cán bộ y tế không ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm dũng cảm vào chỗ hiểm nguy cứu chữa bệnh nhân. Thị xã Bắc Giang và huyện Lạng Giang bị bắn phá 80 lần (1.697 quả bom phá, 178 quả bom bi mẹ) làm chết và bị thương gần 200 người. Phòng Y tế và Bệnh viện thị xã Bắc Giang đã hiệp đồng tốt với các đơn vị khác cứu chữa kịp thời cho người bị thương và tham gia chiến đấu.

          Thành lập các bệnh viện, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý cho y tế huyện thị: Năm 1966, Ủy ban hành chính tỉnh đã quyết định nâng cấp, chuyển các bệnh xá huyện, thị thành bệnh viện có từ 30 - 50 giường bệnh. Ngày 20/7/1967, Uỷ ban hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Bệnh viện thị xã Bắc Giang với 25 giường bệnh. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện tỉnh, các bệnh viện huyện thời kỳ này đều làm được các phẫu thuật cấp cứu ngoại, sản và vết thương phần mềm cứu sống được nhiều người bị thương trong chiến tranh.
Năm 1965 thành lập Trạm Điều dưỡng cán bộ với 30 giường bệnh; năm 1966 thành lập Bệnh viện lao; năm1969 thành lập Bệnh viện Đông y với 30 giường bệnh; năm 1970 thành lập Bệnh viện Tâm thần 50 giường bệnh.
Ngoại khoa hóa cán bộ: Sau Hội nghị chống chiến tranh phá hoại do Bộ Y tế tổ chức, Ty Y tế triệu tập ngay y, bác sĩ các huyện để tập huấn và thao tác những động tác cơ bản trong cấp cứu chiến thương, rồi triển khai toàn ngành. Trường y sỹ cùng Bệnh viện tỉnh tổ chức các lớp học ngoại khoa. Các bệnh viện huyện, thị huấn luyện, bổ túc cho y tá, nữ hộ sinh trạm y tế xã, nông lâm trường về kỹ thuật cấp cứu cơ bản. Trạm y tế tổ chức tập huấn cho dân quân tự vệ, các thầy cô giáo, học sinh cấp III, lực lượng đào hầm, tải thương, các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, đội trưởng sản xuất. Y tá, nữ hộ sinh xã phổ biến cho nhân dân tham gia công tác cấp cứu, trợ giúp cán bộ y tế làm nhiệm vụ.

          Tăng cường cán bộ và trang thiết bị cho y tế huyện: Đến năm 1967, tất cả các bệnh viện huyện, thị đã có đầy đủ các bộ đại phẫu, trung phẫu, tiểu phẫu, một số có X quang. Hầu hết các trạm y tế xã được trang bị bộ tiểu phẫu. Bệnh viện tỉnh và một số bênh viện huyện đã tự pha chế được huyết thanh vừa cung cấp cho bệnh viện, vừa đưa về các trạm y tế xã, các bệnh xá của nông, lâm trường, hợp tác xã. Đội ngũ cán bộ y tế ngày càng phát triển. Bệnh viện huyện có đủ cán bộ nội, nhi, lây, ngoại, sản và một số chuyên khoa, có dược sĩ pha chế được huyết thanh, thuốc đông dược, cấp phát thuốc…  Căn cứ vào thực tế phục vụ chiến đấu và hướng dẫn của Bộ Y tế, Ty Y tế đã phân ra bốn tuyến điều trị:
Tuyến 1: là tuyến y tế gần dân nhất bao gồm y tế hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan, trường học, các trung đội dân quân tự vệ. Nhiệm vụ: Đào bới hầm tìm kiếm người bị thương, sơ cứu bước đầu. Tuyến này tổ chức huấn luyện cho nhân dân, cán bộ biết băng bó vết thương, cầm máu, cố định tạm thời gãy xương, cứu ngạt…
Tuyến 2: Các trạm y tế hộ sinh xã, trạm xá các công, nông trường, xí nghiệp. Tuyến này được bệnh viện huyện, các bệnh viện quân y huấn luyện thêm về kỹ thuật cố định gãy xương lớn, xử trí sốc và chuyển thương.
Tuyến 3:  Bao gồm các bệnh viện huyện, thị, bệnh viện quân y đóng trên địa bàn. Là tuyến quan trọng, vừa là trung tâm kỹ thuật cấp cứu, vừa là trung tâm xử trí hầu hết vết thương trên địa bàn huyện và khu vực.
Tuyến 4: Bệnh viện tỉnh với nhiệm vụ chủ yếu là xử trí những vết thương phức tạp, vết thương sọ não,lồng ngực, mạch máu,vết thương các chuyên khoa. Trong thực tế, Bệnh viện tỉnh đều xuống chi viện cho tuyến ba. 
       
          Phong trào vệ sinh yêu nước chống Mỹ: Ngành Y tế phát động các đợt thi đua “Vệ sinh yêu nước chống Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng dịch xuống cơ sở. Các công trình vệ sinh như hố xí hai ngăn, giếng nước hợp vệ sinh  được nhân lên trong toàn tỉnh; công tác vệ sinh trường học được chú ý. Từ đó hạn chế được một số dịch bệnh như đau mắt hột, dịch tả, dịch sởi…
         
        Công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sinh đẻ có kế hoạch; công tác phòng chống bệnh sốt rét, và các bệnh xã hội:
Công tác vệ sinh phụ nữ và vệ sinh thai sản được chú trọng, tỉ lệ phụ nữ sinh không do nữ hộ sinh đỡ đã giảm. Những bệnh như uốn ván, sản giật, vỡ tử cung khi sinh cũng giảm. Năm 1972, đã khám phụ khoa cho 19.826 người, chữa 10.291 người. Đến 1975, Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh đã bàn giao toàn bộ công tác sinh đẻ có kế hoạch, đặt vòng tránh thai, thuốc, dụng cụ và nhân lực sang Ty Y tế. Trạm Sinh đẻ kế hoạch được thành lập với nhiệm vụ thực hiện chuyên môn kỹ thuật về các biện pháp tránh thai.
         Bệnh đau mắt hột dần được khống chế, nhiều xã đã thanh toán được bệnh toét mắt, quặm mắt. Từ khi Bệnh viện Lao được thành lập, công tác điều trị lao được chú trọng. Tiêm phòng lao được chú ý, tiêm BCG sơ sinh và tái chủng đạt 80- 90 % hàng năm. Bệnh nhân phong được phát hiện trong những năm 1965 -1975 là 406 người, được điều trị nội, ngoại trú. Khu điều trị bệnh phong Quả Cảm được Bộ Y tế tăng cường thêm giường bệnh, hàng năm điều trị 600 bệnh nhân.
Phát triển hệ thống khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần phục vụ trong thời chiến cũng như thời bình; xây dựng củng cố hệ thống dược: Đến 1975, có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 viện điều dưỡng và 15 bệnh viện huyện, thị. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Thực hiện phương châm y tế phục vụ sản  xuất, nhiều bệnh viện cử y, bác sĩ về khám chữa bệnh lưu động ở nông thôn, phục vụ chiến dịch chống bão lụt. Năm 1975, Ty Y tế rút bớt cán bộ thành lập một bệnh xá phục vụ 7.000 công nhân công trường thủy lợi sông Đáy.
Xưởng sản xuất (tiền thân của xí nghiệp dược phẩm) gồm có các tổ sản xuất thuốc ống phủ tạng, viên và cao nước. Một tổ sản xuất thuốc Nam, bào chế thuốc sống và thuốc chén cho bệnh nhân. Mạng lưới phân phối thuốc có các cửa hàng dược phẩm huyện, thị trước đây thuộc cửa hàng bách hóa hoặc hợp tác xã mua bán huyện bàn giao sang làm nhiệm vụ phân phối thuốc tân dược, thuốc Nam, thuốc Bắc, y cụ. Phong trào tự trồng cây dược liệu  tại các bệnh viện được nhân rộng. Các bệnh viện sản xuất 100% dung dịch tiêm truyền, nước cất, xi rô, các loại thuốc Nam thông thường. Tổng giá trị thuốc bệnh viện sản xuất đạt 42% (năm 1975). Trạm Nghiên cứu dược liệu của tỉnh (thành lập năm 1964) đã điều tra nghiên cứu ở 4 huyện trung du, tìm ra 259 loại cây làm thuốc, trong đó có một số cây thuốc quý. Trạm Kiểm nghiệm (thành lập năm 1968) đã tăng cường công tác kiểm soát thuốc. 

          Ngành Y tế Hà Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam và Cách mạng Lào: Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ngành Y tế ngoài tham gia cứu chữa thương bệnh binh còn làm tốt công tác tuyển quân, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến trường. Từ 1965 – 1975, ngành Y tế kiểm tra sức khẻ, khám tuyển nghĩa vụ quân sự trên 600.000 lượt thanh niên, với số lượng nhập ngũ là 128.386 người. Đồng thời, cử hàng trăm cán bộ vào chiến trường mỗi năm, có đồng chí đã hy sinh anh dũng… Ngành cũng cử nhiều cán bộ y tế sang giúp nước bạn Lào trên nhiều lĩnh vực y tế. Một số đồng chí giữ trong trách cao trong ngành y nước bạn được Chính phủ Lào trao tặng những phần thưởng cao quý.

Chương IV
CÔNG TÁC Y TẾ TRONG THỜI KỲ CÙNG CẢ NƯỚC XÂY DỰNG
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976 – 1996)

 

         1.Thời kỳ 1976 – 1985

          Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn thách thức nhưng dưới sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với những nỗ lực không ngừng, sự nghiệp Y tế của tỉnh đã có kết quả tích cực. 

         Công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch và phong trào dứt điểm ba công trình vệ sinh: Trong thời kỳ 1976 -1985, một số dịch bệnh như bệnh tả, dịch hạch, sốt xuất huyết xuất hiện, ngành Y tế đã triển khai những biện pháp dập dịch và phòng ngừa bằng tiêm chủng các loại vác xin; tổ chức công tác vận động xây dựng ba công trình vệ sinh theo chỉ thị của Chính phủ. Ngoài công tác trên, ngành Y tế hàng năm đều phát động phong trào ba diệt, cùng với các ngành hữu quan kiểm tra vệ sinh thực phẩm, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh học đường, tổ chức khám cho cán bộ, công nhân và học sinh của tỉnh.

         Mở rộng và đảm bảo công tác khám chữa bệnh có chất lượng, đẩy mạnh phòng chống các bệnh xã hội & chăm sóc sức khỏe toàn dân: Năm 1976, Ty Y Tế Hà Bắc đã tiếp nhận bệnh viện số 3 của Bộ Giao thông vận tải 100 giường. Năm 1979, tiếp nhận khu điều trị phong Quả Cảm từ Bộ Y tế về Ty Y tế tỉnh. Cơ sở vật chất của ngành được nâng cấp, cải tạo. Một số trang thiết bị được viện trợ từ các tổ chức Unicef, Oms, Oxfam đã được trang bị cho một số bệnh viện huyện, thị và 68 trạm y tế xã. Phong trào “thầy thuốc như mẹ hiền” đã thay đổi tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân của các y bác sĩ. Công tác phòng chống các bệnh xã hội được đẩy mạnh. Năm 1980 đã thanh toán được bệnh quặm.

         Thực hiện mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ phát triển dân số, bảo vệ tốt sức khỏe bà mẹ & trẻ em, lấy sinh đẻ  có kế hoạch làm biện pháp chủ yếu: Trong 10 năm (1976 - 1985), toàn tỉnh đã tổ chức đặt vòng tránh thai cho 244.674 trường hợp; nạo phá thai: 59.931; khám phụ khoa: 651.879; điều trị phụ khoa:133.338 người. Tuy vậy, công tác sinh đẻ có kế hoạch vẫn còn một số yếu kém như công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, nạn nạo phá thai còn nhiều.
 
         Công tác dược:
Sau kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 -1980) tình trạng thiếu thuốc là một thực tế, do dân số tăng, nguồn viện trợ bị giảm. Do vậy, tỉnh đã phát động phong trào tự túc thuốc Nam ở xã, phát triển dược liệu ở quy mô vừa và lớn, đẩy mạnh sản xuất thuốc ở tất cả các cơ sở y, dược trong ngành, thực hiện tốt công tác lưu thông, phân phối và quản lý chặt chẽ, hạn chế thấp nhất những tiêu cực trong ngành, tạo thêm nguồn thuốc từ liên doanh liên kết với tỉnh bạn. Nhờ vậy mà tình trạng thiếu thuốc dần được khác phục.

          Củng cố tổ chức y tế và kiện toàn cơ sở y tế: Tính đến năm 1985, hầu hết các trạm y tế đều được đầu tư, nâng cấp. Các bệnh viện huyện, thị được trang bị thêm giường bệnh, nâng cao công tác khám chữa bệnh.

          2.Thời kỳ 1986 – 1996

         Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, xuất phát từ các quan điểm của Đảng về công tác y tế, ngành y tế đã đề ra phương hướng chung trong giai đoạn từ 1986 - 2000, xây dựng chương trình hành động với 10 điểm về nâng cao mọi mặt công tác y tế. Ngành y tế đã đổi mới chế quản lý, cơ chế kinh tế y tế, đổi mới lề lối làm việc gắn với việc sắp xếp tổ chức, gọn nhẹ biên chế bên cạnh việc tăng cường xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ y tế xã. Trong thời gian này công tác y tế dự phòng được quan tâm chỉ đạo nên đã chủ động từng bước khống chế các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng. Công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em, phòng chống các bệnh xã hội được tăng cường, bệnh phong, sốt rét dần được thanh toán…
 

ChươngV
CÔNG TÁC Y TẾ TỪ KHI TÁI THÀNH LẬP TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NAY

 

        Ngày 01/01/1997, Ngành Y tế Bắc Giang được tái lập, trong 20 năm qua, ngành y tế luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ngành, đoàn thể và của các địa phương nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân phù hợp với điều kiện thực tiễn tại tỉnh và đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

        Tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ BVCS&NCSKND: Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với mỗi giai đoạn, 5 năm, hàng năm như: Nghị quyết số 165-NQ/TU ngày 27/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đến năm 2010; Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 28/4/2005 của Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 545/KH-UBND ngày 04/4/2012 của UBND tỉnh về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch số 675/KH-UBND ngày 25/3/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030…

          Kết quả thực hiện các chỉ tiêu y tế cơ bản: Sau 20 năm, các chỉ số sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tăng từ 71 tuổi lên 73,3 năm 2010; tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm; Đã được công nhận loại trừ bệnh phong; thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh;  Đến năm 2016: tỷ số tử vong mẹ đã giảm từ 69 ca/100.000 trẻ đẻ sống còn dưới 47 ca/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm mạnh từ 33‰ xuống còn < 11‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 47,8‰ xuống còn < 17‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) giảm từ 39,0% xuống còn 14,4%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 96%...

          Phát triển hệ thống cơ sở y tế: Mạng lưới y tế được củng cố từ tỉnh đến thôn, bản và phát triển cả về số lượng, quy mô và chuyên sâu. Thành lập Chi cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục An toàn thực phẩm, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Đến hết năm 2016 đã có 11 đơn vị y tế được nâng hạng; số xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 209/230 (90,8%); số cơ sở y, dược ngoài công lập tăng từ 155 cơ sở lên 973 cơ sở.

           Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế: Đội ngũ cán bộ y tế đã được tăng cường về số lượng và trình độ chuyên môn. So sánh một số chỉ tiêu năm 2016 với năm 1997 cho thấy: Số bác sĩ tăng từ 3 bác sĩ/10.000 dân lên 8,2 bác sĩ/10.000 dân (2,7 lần); Số dược sĩ đại học tăng từ 0,28/10.000 dân lên 0,68/10.000 dân (2,4 lần); Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ phục vụ tăng từ 7,7% lên 98,3%. Số trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi tăng từ 95,1% lên 100%; Số thôn/bản có nhân viên y tế hoạt động tăng từ 73,6% lên 100%. Đào tạo siêu âm tổng quát cho 100% bác sĩ xã, đào tạo trình độ tương đương sơ cấp cho 61,1% nhân viên y tế thôn, bản.

     
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn:

 

           Về Truyền thông giáo dục sức khoẻ: Phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng tài liệu và tổ chức truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã có chuyển biến rõ rệt trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác y tế, dân số - KHHGĐ, chủ động phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ.

            Về lĩnh vực Y tế dự phòng: Năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh tiếp tục được phát triển và hoạt động có hiệu quả; luôn chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh, tổ chức giám sát chặt chẽ, khống chế kịp thời không để dịch bệnh lan rộng. Từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn.
Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là quy định trong kiểm soát ATVSTP, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Tích cực triển khai các phong trào vệ sinh môi trường, vệ sinh trường học, vệ sinh nghề nghiệp; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống các bệnh không lây nhiễm; phòng chống lạm dụng rượu, bia.
Hoạt động can thiệp dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS  triển khai với đa dạng dịch vụ; có 7 cơ sở điều trị Methadone cho 1.366 người, đã  tác động tích cực tới đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng.

           Về lĩnh vực Khám bệnh, chữa bệnh: Mạng lưới khám chữa bệnh ngày càng được mở rộng và phát triển cả công lập và ngoài công lập. So sánh giữa năm 1997 với năm 2016 số giường bệnh/10.000 dân tăng từ 11,6 lên 22,8. Số lượt khám bệnh tăng 1,5-1,7 lần; điều trị nội trú tăng 1,5 lần; tổng số ca phẫu thuật tăng 3,5-3,8 lần.
Các kỹ thuật chuyên môn được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng lên, nhiều kỹ thuật cao được triển khai ở các tuyến. Tại tuyến tỉnh đã triển khai phẫu thuật tim hở, phẫu thuật tiết niệu, thần kinh, chấn thương - chỉnh hình, mạch máu, phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, chụp MRI, cắt lớp vi tính, siêu âm màu tim mạch, nội soi phế quản. tuyến huyện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, phẫu thuật kết xương, thận nhân tạo, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm màu, nội soi tiêu hóa; Trạm y tế tuyến xã đã triển khai được siêu âm chẩn đoán, điện tim.
Từ năm 2007, triển khai quản lý và điều trị ngoại trú một số bệnh mạn tính: Tiểu đường, tăng huyết áp, loét dạ dày, bệnh COPD tại các bệnh viện. Là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại tuyến y tế xã; tính đến hết năm 2016, có 87% trạm y tế xã triển khai quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp và triển khai thí điểm quản lý, điều trị ngoại trú bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại 6 trạm y tế xã.
Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội được thực hiện ở 100% cơ sở y tế. Công tác quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện, ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, thực hiện văn hóa ứng xử... được quan tâm thực hiện đã hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

           Về lĩnh vực Dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em: Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về chính sách dân số - KHHGĐ được triển khai với nhiều hình thức tới nhiều đối tượng khác nhau; nhận thức, thái độ, hành vi về dân số - KHHGĐ đã có chuyển biến tích cực; quy mô gia đình có 2 con được nhiều người chấp nhận. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ thường xuyên được củng cố và nâng cao chất lượng.
Quy mô dân số tăng 1,1 lần; tốc độ gia tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,60% năm 1997 xuống 1,16% năm 2016; tổng tỷ suất sinh duy trì ở mức 1,94 - 1,97 con, đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ phụ nữ sinh con được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thai kỳ duy trì ở mức trên 96%; tỷ lệ phụ nữ có thai đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 99%; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trung bình giai đoạn là 73,3%.

         Về lĩnh vực dược: Hệ thống cung ứng thuốc được củng cố và mở rộng đến 100% xã/phường/thị trấn; bình quân 1.770 người dân có 1 cơ sở bán lẻ thuốc. Ngành y tế đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thường xuyên triển khai công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu, thuốc có chất lượng và bình ổn giá đáp ứng với nhu cầu của người dân

          Huy động các nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Tỷ lệ chi ngân sách cho y tế/tổng chi ngân sách địa phương tăng dần và đạt 7% vào năm 2015; Tổng chi y tế dự phòng/tổng chi sự nghiệp y tế trong 5 năm gần đây đạt mức 42-44%. Nhờ việc tranh thủ, huy động từ các nguồn vốn nhiều đơn vị y tế đã được xây mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển chuyên môn.

           Thực hiện Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của UBND tỉnh về ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của SYT Bắc Giang. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Y tế đã tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh một số vấn đề trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Kế hoạch số 45/KH-TU ngày 15/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới;

- Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017, Nghị quyết số 137/NQ-CP  ngày 31/12/2017 của Chính phủ và thực hiện Kế hoạch số 45/KH-TU ngày 15/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 41/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Kế hoạch số 1322/KH-UBND ngày 26/4/2017 của UBND tỉnh về lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

- Kế hoạch số 1656/KH-UBND ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

- Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

- Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 30/5/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

- Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh Quy định phân cấp và trách nhiệm về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

Đồng thời, Sở Y tế ban hành nhiều văn bản kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ

             Sở Y tế tỉnh Bắc Giang