Thứ 6,29/03/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 7,501
Tổng số trong ngày: 2,247
Tổng số trong tuần: 56,930
Tổng số trong tháng: 328,068
Tổng số trong năm: 1,083,138
Tổng số truy cập: 38,563,768

NHIỀU BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả, bảo đảm quy mô dân số ổn định, tốc độ tăng dân số hằng năm, mức giảm sinh, tổng tỷ suất sinh thấp hơn mức chung toàn quốc.
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả, bảo đảm quy mô dân số ổn định, tốc độ tăng dân số hằng năm, mức giảm sinh, tổng tỷ suất sinh thấp hơn mức chung toàn quốc. Đặc biệt, từ tỉnh đứng thứ 4 về tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) cao nhất cả nước (118,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2012), sau 5 năm thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế, đến nay tỷ số này của tỉnh đã giảm còn 111,8.
Trước tình trạng tỷ số giới tính của nhóm trẻ dưới 5 tuổi ở Bắc Giang gia tăng nhanh và cao hơn tỷ số chung của toàn quốc, tỷ lệ trung bình giai đoạn 2009-2011 toàn tỉnh là 120,42% (cao hơn 7,75 điểm, toàn quốc là 112,67%), ngày 31/8/2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường kiểm soát tình trạng mất cân bằng GTKS, chú trọng các giải pháp trong truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chỉ đạo đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia, vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể, người có uy tín ở cộng đồng nhằm thực hiện tốt bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ đồng thời lồng ghép tuyên truyền về mất cân bằng GTKS vào các hoạt động của cơ quan, tổ chức. Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn hướng tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng có 2 con một bề gái để không lựa chọn giới tính khi mang thai.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Tại cấp tỉnh, dưới sự chứng kiến của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế chủ trì tổ chức Hội nghị ký cam kết tuyên truyền vận động nhân dân không lựa chọn giới tính thai nhi giữa 9 ngành, gồm có: Uỷ ban MTTQ tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh. Đồng thời quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị và đưa tiêu chí thực hiện chính sách dân số vào quy chế, gắn với các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, Sở Y tế ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền vận động về công tác dân số - KHHGĐ giai đoạn 2013-2015, 2016-2020 với Uỷ ban MTTQ tỉnh; Chi cục Dân số - KHHGĐ thực hiện chương trình phối hợp truyền thông với Ban Tôn giáo tỉnh để tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng GTKS đối với chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo trong tỉnh. Phối hợp tuyên truyền về chính sách dân số, tình trạng mất cân bằng GTKS với một số đơn vị như Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Trường Chính trị, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Nhà hát chèo, Trung tâm Văn hóa ... Tại cấp huyện, 100% các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ cấp huyện, cấp xã kiểm soát tình trạng mất cân bằng GTKS gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Kết hợp truyền thông đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, thông qua hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự phát thanh, truyền hình, hội nghị lồng ghép, truyền thông chuyên đề của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nội dung Chỉ thị đã được quán triệt tới các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên trong toàn tỉnh. Uỷ ban MTTQ tỉnh hướng dẫn cơ sở phổ biến triển khai quán triệt tinh thần của Chỉ thị và đưa tiêu chí dân số vào trong quy ước, hương ước, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị; đồng thời tiêu chí thực hiện công tác dân số được gắn với các nội dung của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", gắn với việc bình xét, công nhận "Khu dân cư văn hóa", "Gia đình văn hóa". Hàng năm, ngành Y tế phối hợp với các cơ quan liên ngành chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, kinh doanh ấn phẩm văn hoá.
Đến nay, 100% cán bộ y tế và các cơ sở y tế tư nhân ký cam kết không thực hiện hành vi liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi; 500 cơ sở kinh doanh ấn phẩm văn hoá ký cam kết không hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Toàn tỉnh thành lập được 958 câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình; 622 câu lạc bộ dân số với hơn 46.000 hội viên hoạt động hiệu quả. Trên 500 nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia Mô hình Tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân; Mô hình sinh hoạt ngoại khoá được cung cấp kiến thức về dân số, giảm thiểu mất cân bằng GTKS. 100% cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục và Đào tạo được triển khai, ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Y tế thực hiện 37.156 cuộc truyền thông kiến thức dân số - KHHGĐ và mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức 1.120 hội thi, tọa đàm, giao lưu, sinh hoạt chuyên đề về nội dung này. Thông qua các hoạt động truyền thông về dân số, mất cân bằng giới tính, hàng trăm nghìn hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, đoàn viên công đoàn được tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách, pháp luật về dân số, mất cân bằng GTKS và tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ.
Tại các địa phương trong tỉnh, hoạt động truyền thông dân số, mất cân bằng GTKS được triển khai đều khắp với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hội nghị quán triệt Chỉ thị ở cơ sở cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ dân số, trưởng thôn, bí thư chi bộ, hiệu trưởng trường học trên địa bàn. Đặc biệt, đã lồng ghép truyền thông tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, tình trạng mất cân bằng GTKS gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, gắn với nội dung thị đua, đưa và quy ước, hương ước trong xây dựng làng văn hóa; kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cán bộ dân số, cán bộ y tế và tuyên truyền viên dân số cơ sở. Vận động trực tiếp đối tượng có nguy cơ sinh con lần 3 cao không sinh con thứ 3 trở lên và không lựa chọn giới tính thai nhi. Điển hình là huyện Việt Yên năm 2004 đã triển khai tới 100% cơ quan, ban, ngành và UBND cấp xã ký cam kết với UBND huyện thực hiện chính sách dân số, giảm thiểu mất cân bằng GTKS; 100% xã, thị trấn của huyên Hiệp Hòa ký cam kết tới tận hộ. Hơn 3000 hộ dân và 34 đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ y tế của huyện Lạng Giang ký cam kết không thực hiện hành vi liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi…
Với những biện pháp trên, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị, tốc độ gia tăng tỷ số GTKS trên địa bàn tỉnh đã từng bước được khống chế, tỷ số GTKS (số trẻ nam sinh ra sống /100 trẻ nữ) của tỉnh giảm từ 118,5 năm 2012 xuống còn 115,2 năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 giảm còn 111,8. Tuy nhiên, trước tình hình kinh phí đầu tư cho các hoạt động dân số ngày càng thu hẹp, tổ chức bộ máy làm công tác dân số còn thiếu biên chế, tỷ số GTKS vẫn còn cao, tỷ lệ sinh lần 3 có chiều hướng gia tăng, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục quan tâm, quán triệt, triển khai các văn bản, chính sách dân số sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; các địa phương chủ động bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động dân số trong kế hoạch ngân sách hàng năm; thực hiện tốt phong trào thi đua, khen thưởng và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số bằng nhiều hình thức thích hợp. Phấn đấu đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng chung của cả nước, đồng thời kiềm chế, giảm tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên; coi trọng việc nâng cao chất lượng dân số.
 
 

Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.