Thứ 6,19/04/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 8,524
Tổng số trong ngày: 15,171
Tổng số trong tuần: 69,537
Tổng số trong tháng: 224,962
Tổng số trong năm: 1,338,003
Tổng số truy cập: 38,818,633

Nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai là nguyên nhân gây nên những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) đã đề nghị sàng lọc thường quy Liên cầu khuẩn nhóm B Streptococcus (gọi tắt là GBS) ở âm đạo cho tất cả phụ nữ mang thai. Việc sàng lọc này được thực hiện từ tuần 35 - 37 của thai kỳ.  

Cùng tìm hiểu về Liên cầu khuẩn nhóm B, ảnh hưởng của Liên cầu khuẩn nhóm B tới trẻ sơ sinh và tầm quan trọng của việc xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B trong thai kỳ.

 

Ảnh phóng to của Liên cầu khuẩn nhóm B

Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?

Liên cầu khuẩn nhóm B Streptococcus (GBS) là một loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của thai phụ. Thực tế có khoảng 25% phụ nữ khỏe mạnh mang Liên cầu khuẩn nhóm B. Phần lớn phụ nữ mang Liên cầu khuẩn nhóm B thường không có triệu chứng gì đặc biệt, một số ít có thể bị viêm đường tiết niệu hoặc viêm tử cung. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai thì Liên cầu khuẩn nhóm B có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng gây ra một số biến chứng trong thai kỳ (chuyển dạ sinh non, vỡ màng ối non, vỡ màng ối non ở thai non tháng, viêm màng ối) và nhiễm trùng sơ sinh.

Liên cầu khuẩn nhóm B có bị lây nhiễm không? 

Nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD).  Trong số những phụ nữ mang thai nhiễm GBS, khoảng 50% sẽ truyền từ mẹ sang con, tuy chỉ có 1- 2% trong số đó bị bệnh nhưng lại là các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não và xảy ra sớm chủ yếu từ 12 - 24 giờ sau sinh. Ngay cả khi được điều trị tích cực thì nguy cơ trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cũng rất cao. Tuy nhiên nếu người mẹ chủ động xét nghiệm tìm Liên cầu khuẩn nhóm B trong thai kỳ để có biện pháp dự phòng trong khi chuyển dạ thì sẽ ngăn ngừa được việc lây truyền GBS từ mẹ sang con và đảm bảo an toàn sức khoẻ của trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm trùng.

Thai phụ sẽ có nguy cơ sinh con nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B cao hơn bình thường nếu:

- Thai phụ bị vỡ ối trước 37 tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ.

- Ối vỡ sớm trước 18 giờ hoặc lâu hơn cho tới khi sinh.

- Sốt cao trong khi chuyển dạ.

- Thai phụ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do Liên cầu khuẩn nhóm B trong thai kỳ

- Từng có tiền sử sinh con lần trước bị nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B.

Nếu thai phụ có kết quả nuôi cấy tìm Liên cầu khuẩn nhóm B dương tính và có các nguy cơ kể trên thì bác sỹ sẽ sử dụng kháng sinh để bảo vệ thai nhi không bị nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B trong quá trình sinh đẻ.

Phân loại nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh:

Có hai loại nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) ở trẻ sơ sinh: Nhiễm GBS khởi phát sớm và nhiễm GBS giai đoạn muộn. Cả hai loại đều gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiễm GBS giai đoạn sớm: Xảy ra trong vòng 07 ngày đầu sau sinh, thường trong vòng 24 - 48 giờ sau khi sinh. 2/3 trẻ sơ sinh nhiễm GBS thuộc loại nhiễm GBS khởi phát sớm. Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm khuẩn khi sinh qua đường âm đạo của người mẹ mang nhóm vi khuẩn và sinh non cũng có thể làm tăng khả năng bị nhiễm bệnh. Nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh sẽ gây ra 1 số bệnh như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não và viêm da mủ. Trong số trẻ nhiễm GBS khởi phát sớm, khoảng 10% trẻ sẽ tử vong (ngay cả khi được điều trị tích cực), một số ít trẻ dù hồi phục sau điều trị viêm màng não do nhiễm GBS thì cũng sẽ để lại di chứng rất nặng nề.

Nhiễm GBS giai đoạn muộn: Xảy ra ở những trẻ từ 07 - 90 ngày tuổi (Thường gặp trong vòng 01 tháng tuổi, hiếm gặp sau ba tháng tuổi). Nhiễm GBS giai đoạn muộn thường gây viêm màng não, viêm phổi, viêm xương tủy, viêm khớp và nhiễm trùng máu. Nhiễm GBS giai đoạn muộn ít gặp hơn nhiều so với nhiễm GBS khởi phát sớm - khoảng 30% trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS sẽ thuộc loại nhiễm giai đoạn muộn. Nhiễm GBS giai đoạn muộn có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với nhiễm GBS giai đoạn khởi phát sớm, khoảng 1/20 (tức 5%) trẻ sơ sinh tử vong nếu nhiễm GBS giai đoạn muộn. Tuy nhiên, một nửa số trẻ sống sót sau nhiễm GBS giai đoạn muộn sẽ bị di chứng vĩnh viễn về thể chất cũng như tinh thần và 1/8 trong số đó bị  viêm màng não nghiêm trọng. Hiện tại không có cách nào để ngăn ngừa nhiễm GBS giai đoạn muộn ở trẻ sơ sinh.

Có thể phòng tránh nhiễm khuẩn này ở trẻ sơ sinh không?

Việc xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B trong giai đoạn cuối của thai kỳ và điều trị trong quá trình sinh có thể giúp phòng tránh nhiễm trùng giai đoạn khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên không thể giúp phòng tránh nhiễm trùng giai đoạn muộn. Cần biết cách nhận biết triệu chứng nhiễm trùng giai đoạn sớm và giai đoạn muộn:

- Trẻ sơ sinh nhiễm GBS khởi phát sớm thường có dấu hiệu trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Những dấu hiệu này bao gồm: Thở rên, nhịp thở bất thường; Da xanh tái, thân nhiệt trẻ bất thường; Ngủ li bì, ăn sữa kém; Nhịp tim rất nhanh hoặc chậm; Huyết áp giảm; Hạ đường huyết.

- Trẻ sơ sinh nhiễm GBS giai đoạn muộn xuất hiện triệu chứng trong vòng một tuần hoặc vài tháng sau khi sinh như: Trẻ hoạt động chậm hoặc không hoạt động; Trẻ quấy khóc; Trẻ bú sữa kém; Trẻ bị nôn; Trẻ dễ bị kích thích, bị sốt cao

Nếu thấy trẻ bị một trong những triệu chứng trên thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới khám bác sỹ ngay.

Biện pháp phòng tránh Liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh:

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh, thai phụ nên thực hiện xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B từ tuần thứ 35 - 37 của thai kỳ. Khi tiến hành xét nghiệm, bác sỹ sẽ lấy mẫu thử từ âm đạo và trực tràng, gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy trong môi trường đặc biệt tìm GBS và  bác sỹ sẽ đưa ra kết luận chính xác nhất sau 02 - 03 ngày xét nghiệm.

Những người mẹ được xác định mang Liên cầu khuẩn nhóm B cần phải được điều trị và thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền sang trẻ sơ sinh theo đúng khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa như tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch trong khi chuyển dạ để giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị nhiễm trùng.

Nếu sinh mổ lấy thai thì có cần phải điều trị Liên cầu khuẩn nhóm B không?

Nếu thai phụ có kết quả dương tính với Liên cầu khuẩn nhóm B và chưa có dấu hiệu chuyển dạ hoặc chưa vỡ ối thì không cần dùng kháng sinh điều trị Liên cầu khuẩn nhóm B trong khi sinh.

Trường hợp thai phụ xét nghiệm dương tính với Liên cầu khuẩn nhóm B và đã có cơn chuyển dạ thì khuyến cáo phải điều trị GBS khi đang mổ lấy thai. 

Liên cầu khuẩn nhóm B gây nên các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Vì sức khỏe của trẻ và hạnh phúc của gia đình, các thai phụ nên xét nghiệm tầm soát GBS sớm để dự phòng lây nhiễm cho trẻ sơ sinh.

 

Hiền Chúc - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang