Thứ 5,25/04/2024,

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 10,163
Tổng số trong ngày: 6,496
Tổng số trong tuần: 60,266
Tổng số trong tháng: 298,396
Tổng số trong năm: 1,411,437
Tổng số truy cập: 38,892,067

Điều trị nội khoa đóng ống động mạch kích thước lớn thành công ở trẻ sinh non 32 tuần tuổi

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Mang thai ngôi ngang lại có hiện tượng cạn ối sớm ở tuần thứ 32 của thai kỳ, chị Nguyễn Thị Duyên (23 tuổi, trú tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang mổ lấy thai thành công.

        Bé trai sinh non tháng nặng 2,2 kg bị suy hô hấp rất nặng kèm dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch lỗ lớn gây tăng áp phổi có nguy cơ tử vong cao đã được đội ngũ y bác sỹ Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang điều trị hồi sức tích cực. Hiện tại sau 47 ngày được nuôi dưỡng đặc biệt tại đây, sức khỏe bé ổn định, cân nặng đạt 2,8 kg và chuẩn bị được xuất viện về nhà cùng gia đình.

Bé Minh Trí được Mẹ chăm sóc tại Phòng ghép Mẹ và Bé - Khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

12h30ph ngày 07/3/2019, bé Đỗ Minh Trí cất tiếng khóc chào đời, tuy nhiên ngay khi sinh ra toàn thân bé tím tái, rút lõm lồng ngực rõ được các bác sỹ chẩn đoán sơ sinh non tháng suy hô hấp độ 3 rất nặng và được chuyển tới Phòng Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh vào lúc 12h45ph. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực, đặt ống nội khí quản và cho bé thở máy xâm nhập. “Kiểm tra cho bé thì thấy phổi thông khí kém, áp lực động mạch phổi tăng cao, độ bão hòa oxy trong máu của cháu ở mức rất thấp nên chúng tôi có chẩn đoán theo dõi bệnh tim bẩm sinh. Tiến hành siêu âm tim cho cháu Trí thấy cháu còn ống động mạch lỗ lớn với đường kính 4,5 mm shunt đảo chiều, chúng tôi dùng thuốc kháng tổng hợp Prostaglandin để đóng ống động mạch cho trẻ, bơm thuốc trưởng thành phổi Surfactant, an thần tối đa, cho bé thở máy cao tần để hạn chế tổn thương phổi. Kết quả xét nghiệm đông máu bệnh nhi bị rối loạn đông máu nên đã được truyền huyết tương và các thuốc để điều trị rối loạn đông máu, điều chỉnh thăng bằng Kiềm – Toan, cân bằng nước điện giải, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và nuôi dưỡng bé hoàn toàn theo đường tĩnh mạch. Sau 5 ngày được đội ngũ y bác sỹ điều trị tích cực, kiểm tra các thông số máy thở của cháu Trí ổn định, kiểm tra ống động mạch của cháu đã được đóng lại thì bé được ngừng dùng máy thở cao tần để chuyển sang máy thở thường. Tới ngày 13/4 là cháu có thể tự thở mà không cần dùng tới máy hỗ trợ. Mặt khác, ngay từ ngày đầu khi sinh ra, chúng tôi nuôi dưỡng bé bằng đường tiêu hóa qua ống sonde dạ dày thì bé có dấu hiệu viêm ruột, ăn sữa không tiêu nên chúng tôi phải tiêm kháng sinh điều trị bệnh nuôi dưỡng bé bằng dịch truyền hoàn toàn theo đường tĩnh mạch. Tới ngày 16/3, tức là 09 ngày sau sinh, kiểm tra dịch dạ dày của bé trong, không còn tình trạng nhiễm khuẩn nữa thì chúng tôi mới tiếp tục cho bé ăn sữa qua ống sonde dạ dày kết hợp dịch truyền theo đường tĩnh mạch với lượng sữa tăng dần từng chút một. Hiện tại, cháu Trí đã ăn được 60 ml  sữa mẹ trong vòng 3 giờ đảm bảo dinh dưỡng cho bé và cân nặng được 2,8 kg” - Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết.

Vậy là sau 1 tháng cách ly mẹ để đội ngũ y bác sỹ Khoa Sơ sinh điều trị hàng loạt bệnh lý và chăm sóc đặc biệt, cháu Trí được chuyển sang Phòng ghép Mẹ và Bé để mẹ cháu có thể trực tiếp chăm sóc cháu.

Gặp con trai sau 1 tháng cách ly để đội ngũ y bác sỹ Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang chăm sóc, chị Nguyễn Thị Duyên vui mừng bày tỏ: “Khi mang thai bé thì tôi cũng thường xuyên đi khám thai vì lập gia đình lâu rồi giờ tôi mới mang thai được nên 2 vợ chồng cũng cẩn thận lắm, suốt thai kỳ cũng không thấy có dấu hiệu bất thường cho tới khi được 32 tuần siêu âm thấy nước ối bị cạn, bé ngôi thai ngược nên phải mổ gấp nếu không sẽ nguy hiểm cho con. Con sinh thiếu tháng nhẹ cân lại mắc nhiều bệnh lý nữa, vợ chồng tôi thật sự lo lắng cho sức khỏe của con. Một tháng phải cách ly con, tuy không được gặp mặt nhưng hàng ngày vợ chồng chúng tôi vẫn ngồi ngoài ngoài Phòng Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh đợi nghe tin từ các bác sỹ để biết sự tiến triển của cháu. Tới khi con được ra ngoài để người nhà chăm sóc là vợ chồng tôi thay phiên nhau ở bên chăm sóc cho con. May mắn là con được các bác sỹ tại đây chăm sóc nuôi dưỡng tận tình lắm, trộm vía con ngoan, cân nặng tăng đều mà cũng khỏe mạnh. Thật lòng gia đình tôi cảm ơn các bác sỹ, điều dưỡng tại Khoa Sơ sinh rất nhiều. Thay mặt gia đình tôi xin chúc các y bác sỹ Khoa Sơ sinh nói riêng và Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang nói chung luôn dồi dào sức khỏe để phục vụ sức khỏe nhân dân”.

Ống động mạch tồn tại trong quá trình phát triển của bào thai, tạo sự thông thương giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Khi trẻ chào đời bình thường ống động mạch đóng lại. Nếu ống động mạch vẫn còn tồn tại sau khi trẻ sinh ra (dị tật tim bẩm sinh) sẽ đưa một luồng máu từ động mạch chủ sang động mạch phổi. Vì áp suất ở động mạch chủ cao hơn áp suất ở động mạch phổi trong suốt chu trình của tim nên máu chảy liên tục từ động mạch chủ sang động mạch phổi, tạo thành một luồng thông từ trái sang phải, từ đó gây quá tải tuần hoàn phổi, nhĩ trái và thất trái. Sự quá tải tuần hoàn phổi khiến tăng áp lực động mạch phổi và giãn động mạch phổi, giãn nhĩ trái và thất trái, giảm huyết áp tâm trương. Nếu luồng thông lớn sẽ dẫn tới nhiều biến chứng như suy tim, bội nhiễm đường hô hấp, chậm phát triển thể chất... Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thì hầu như những trẻ sơ sinh non tháng đều còn ống động mạch và với những trường hợp này đều được điều trị đóng ống động mạch bằng nội khoa thành công tại Khoa Sơ sinh. Tuy nhiên trường hợp của bé Đỗ Minh Trí khá phức tạp bởi bé sinh non tháng bị suy hô hấp rất nặng kèm tăng áp động mạch phổi cao, hơn nữa ống động mạch của bé lại có đường kính lớn nếu không điều trị kịp thời và có phương pháp điều trị đúng đắn dễ dẫn đến suy tim khiến nguy cơ tử vong cao ở trẻ. Qua đây bác sỹ cũng khuyến cáo rằng: Trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời cần được khám, siêu âm và làm các xét nghiệm để sàng lọc, phát hiện các bệnh bẩm sinh trong đó có bệnh tim bẩm sinh còn ống động mạch . Trường hợp dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch với đường kính nhỏ nếu được phát hiện sớm sẽ được điều trị nội khoa thành công mà không phải can thiệp phẫu thuật. Trường hợp có chỉ định phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch thì nên mổ sớm để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Hiền Chúc - Phòng Công tác xã hội