Thứ 2,20/05/2024,

Bắc Giang thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ngành thư viện, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử và Chính phủ điện tử ở Việt Nam; thực hiện có hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tạo ra nguồn tài nguyên thông tin số phong phú cho tỉnh để xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, cung cấp đa dạng các dịch vụ thư viện đáp ứng yêu cầu người sử dụng, đảm bảo an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các tầng lớp Nhân dân.

 Mục tiêu chung của Chương trình đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị mới các phần mềm chuyên dụng, thiết bị phần cứng cho các thư viện công cộng, thư viện thuộc cơ sở giáo dục, đào tạo; thư viện thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu của chương trình số hóa đến năm 2030. Đảm bảo đủ về số lượng đội ngũ cán bộ, viên chức trong các thư viện công cộng. Đào tạo và đào tạo lại đối với số viên chức chưa đáp ứng trình độ chuyên môn và nhiệm vụ của chương trình chuyển đổi số. Khuyến khích các loại hình thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện. 

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025, Thư viện tỉnh Bắc Giang kế thừa kết quả công tác số hóa giai đoạn 2010- 2020 để nâng cấp phần mềm thư viện hiện đại phù hợp với các tiêu chuẩn hiện nay; đồng thời, hằng năm, Thư viện tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư kinh phí phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác; có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu của Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Số hóa 100% tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh sưu tầm. 100% viên chức Thư viện tỉnh được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Thư viện. Thư viện cấp huyện phấn đấu 80% thư viện công cộng cấp huyện được trang bị phần mềm quản lý thư viện điện tử, phần mềm thư viện số tập trung có liên kết với phần mềm của Thư viện tỉnh; thực hiện việc liên kết, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện; 80% người làm công tác thư viện cấp huyện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. Thư viện chuyên ngành và thư viện cơ sở giáo dục, đào tạo phấn đấu 70% thư viện chuyên ngành và thư viện cơ sở giáo dục, đào tạo được trang bị phần mềm quản lý thư viện, có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế). 80% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân phấn đấu 50% thư viện lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị phần mềm quản lý thư viện, có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; 70% tài liệu nội sinh, các đề tài nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành thu thập và quản lý được số hóa. 70% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.

Định hướng đến năm 2030 tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.

Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người làm công tác thư viện về vai trò quan trọng và yêu cầu của việc triển khai chuyển đổi số đồng bộ giữa ngành thư viện với chuyển đổi số các ngành khác (bảo tàng, di sản văn hóa, du lịch...) thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm xây dựng hệ sinh thái số với nội dung sâu sắc, đa dạng, cách thức tổ chức, khai thác tài nguyên và sản phẩm thông tin, tiện ích và dịch vụ phong phú, sinh động, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực về chuyển đổi số để tạo sức lan tỏa, nhân rộng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật. Phối hợp rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thư viện để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; xây dựng mới hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy định pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó chú trọng chính sách với người làm công tác thư viện. Bổ sung, góp ý xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thư viện và ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện, số hóa tài nguyên thông tin, chuẩn hóa siêu dữ liệu trong thư viện số, kết nối liên thông thư viện, chia sẻ tài nguyên, sản phẩm thông tin giữa các thư viện trong và ngoài nước. Chuyển dạng, số hóa tài nguyên thông tin phục vụ nghiên cứu và lưu trữ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền, quyền tác giả và các quy định khác của pháp luật liên quan. Có cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thư viện, cung ứng dịch vụ về chuyển đổi số trong thư viện; khuyến khích việc tài trợ và đóng góp ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện. Lồng ghép các chương trình, đề án có nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành thư viện như: Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Từng bước hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện, phát triển dữ liệu số ngành thư viện, xây dựng và phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới chương trình, hình thức và đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số ngành thư viện cho cán bộ quản lý và người làm công tác thư viện. Chú trọng đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng xây dựng và quản trị thư viện điện tử, thư viện số và chuyên sâu về quản trị mạng, an ninh mạng... Phát triển nguồn nhân lực tại các thư viện cấp huyện, đảm bảo mỗi thư viện đều có người làm công tác thư viện có chuyên ngành về thông tin - thư viện, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện liên thông thư viện; có năng lực hướng dẫn người sử dụng thư viện, sử dụng tiện ích thư viện hiện đại để tiếp cận và khai thác thông tin. Đẩy mạnh hợp tác.

Chi tiết xem tại đây

Việt Nga